Pháp lệnh Thư viện sau 18 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan. Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, quyền được học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, đã đặt ra yêu cầu cụ thể hóa cũng như có cơ chế bảo đảm việc thực thi các quyền này và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện.
Thực tế khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện ở nước ta, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.
Năm 2012, Dự án Luật Thư viện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhưng Dự thảo Luật lúc bấy giờ còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên UBTVQH đã đề nghị đưa ra khỏi Chương trình. Đến nay, Dự án Luật đã được chuẩn bị đảm bảo điều kiện trình Quốc hội. Vì những lý do trên, Ủy ban nhất trí sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật Thư viện, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tập trung cung cấp kinh nghiệm quốc tế của một số nước châu Âu, một số bang của Hoa Kỳ và một số nước châu Á có điều kiện gần với Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Về xây dựng thư viện số: Cần bổ sung một số quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số như sau:
Về khái niệm thư viện số: Cần nghiên cứu, quy định bao quát đầy đủ các yếu tố cấu thành như: dữ liệu, công nghệ, con người, sản phẩm - dịch vụ thư viện, phương thức hoạt động và đảm bảo chính xác, đúng bản chất của thư viện số;tránh chồng chéo với các quy định khác có liên quan.
Về bản quyền tài nguyên số: Cần bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hoá và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan.
Về người đọc của thư viện số: Cần nghiên cứu quy định những nguyên tắc điều chỉnh cơ bản liên quan đến người đọc và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cần có quy định thúc đẩy phát triển thư viện số, như: vấn đề mua nguồn tin số và chia sẻ nguồn tin số giữa các thư viện công lập; sự phân công, phối hợp giữa các thư viện, cơ quan thông tin khoa học và công nghệ; vai trò và trách nhiệm của các thư viện trung tâm trong hình thành nguồn tài nguyên số quốc gia; nghiên cứu - đào tạo - đầu tư cho nguồn nhân lực thư viện số, đầu tư tài chính và phát triển các dự án thư viện số dùng chung để tiết kiệm ngân sách nhà nước;….
Luật cũng quy định, cơ quan, tổ chức xuất bản, cơ quan báo chí thực hiện việc nộp các xuất bản phẩm, ấn phẩm báo in cho thư viện theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí. Người Việt Nam bảo vệ luận án tiến sĩ ở trong nước, nước ngoài; công dân nước ngoài bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam nộp một bộ luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam. Người dạy trong các cơ sở giáo dục phối hợp với người làm thư viện hướng dẫn người học sử dụng vốn tài liệu và tiện ích thư viện trong tham khảo tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập.