Một nghiên cứu trực tuyến do Q&me thực hiện trên một số người dùng tại Việt Nam cho thấy, thời gian sử dụng các ứng dụng di động của người Việt tăng cao hơn so với năm trước; số lượng các ứng dụng mỗi người dùng tăng lên và đa dạng hơn. Điều này có thể đến từ thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh trong năm 2021.
Theo số liệu từ nghiên cứu này, trung bình mỗi ngày, người dùng Việt dành ra 6,1 giờ sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động. Con số này tăng cao hơn so với con số trung bình năm 2020 là 5,7 giờ. Trong đó, nhóm người có độ tuổi dưới 26 thường có thời gian sử dụng lâu hơn, với hơn 7 giờ mỗi ngày.
Nhiều người dùng mạng xã hội thích xem và mua sắm qua hình thức livestream trên mạng xã hội. Ảnh: Duy Vũ
Người dùng Việt dành 1/5 thời gian sử dụng mỗi ngày dành cho các ứng dụng mạng xã hội, xem video, tin nhắn/cuộc gọi trực tuyến. Thời gian sử dụng còn lại dành cho các ứng dụng chơi game, tìm kiếm hay mua sắm online.Nhu cầu sử dụng tăng cao, số lượng ứng dụng trên điện thoại cũng tăng lên với con số 25,7 ứng dụng so với 22,1 ứng dụng của năm 2020. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nhiều ứng dụng cũng tập trung ở nhóm người dưới 26 tuổi.
Năm 2021 có nhiều ứng dụng di động hơn, tuy nhiên, các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất vẫn là Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok, Facebook Messenger, Shopee. Các ứng dụng này chiếm tới 60% thời gian sử dụng của người dùng điện thoại tại Việt Nam.
Tik Tok tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành ứng dụng phổ biến hơn, nhất là trong giới trẻ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người dùng ứng dụng này tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng ứng dụng này tăng lên gấp đôi, từ 4 lên 8% trong năm 2021. Zalo có mức tăng trưởng từ 7 lên 8%. Ở chiều ngược lại, thời lượng sử dụng Facebook của người dùng tại Việt Nam giảm từ 25% (năm 2020) xuống còn 20% (năm 2021).
Trước đó, số liệu từ cơ quan hữu trách cho thấy các mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok đang chiếm ưu thế so với mạng xã hội trong nước. Theo thống kê, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu người dùng.
Nghiên cứu của Q&me cũng cho thấy, tỉ lệ người sử dụng các ứng dụng mua sắm và thanh toán trực tuyến đều tăng lên trong năm qua. Những người sử dụng ứng dụng trên di động đã tăng lên tới 68% so với con số 61% của năm 2020, trong đó, Shopee và MoMo là các ứng dụng dẫn đầu của những xu hướng này.