Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam hiện có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán, như ví điện tử… đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, hệ thống đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, cả nước có hơn 19.570 ATM và 266.310 POS.
80% chi tiêu của người dân vẫn là tiền mặt. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, TTKDTM còn phải đối mặt với một số rào cản, đó là sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử; Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.
Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, thế nhưng đây cũng lại là cơ hội để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển đổi mô hình kinh tế số, thay vì thủ công như trước.
Ông Hiếu cho hay, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Từ năm 2012, Việt Nam đã có Nghị định về TTKDTM. Sau 8 năm, mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt, 80% chi tiêu của người dân vẫn là tiền mặt.
Ông Hiếu quan ngại, hiện nay, vấn đề sai phạm trong hệ thống tài chính ngân hàng, lừa đảo qua mạng vẫn khá phổ biến, nhưng xử lý sai phạm còn rất khó khăn. Ông Hiếu mong rằng, đến năm 2025, 80% người dân Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt sẽ tăng lên đến 40%.
Ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, theo khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2019 về tỷ lệ TTKDTM khi nhận hàng, phần lớn người mua hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua sắm qua mạng (86% người tham gia khảo sát có mua sắm trực tuyến chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng).
“Để thúc đẩy hơn nữa quá trình TTKDTM, cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai. Đồng thời, phải cho cộng đồng thấy được TTKDTM tiện lợi hơn phương thức thanh toán truyền thống ra sao, từ việc đăng ký sử dụng tới khâu ứng dụng, mức độ bảo mật, chi phí; Cơ quan nhà nước phải là đơn vị đi đầu triển khai ứng dụng TTKDTM vào các dịch vụ công”, ông Trần Văn Trọng nhấn mạnh.
Với quá trình chuyển đổi số, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc quyết liệt mới tạo được khí thế và xu hướng của cộng đồng. Với cơ quan quản lý, ông Trọng bày tỏ mong muốn, phải có cơ chế chính sách về thanh toán có tính tương đồng với thực tiễn.
Về phía nhà cung cấp, các đơn vị cung cấp giải pháp hay trung gian thanh toán cần có sự liên kết với nhau để đồng nhất giúp người dùng dễ dàng sử dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp công nghệ thanh toán mới (Smart POS, NFC...)./.