Lời Tòa soạn: Bố ông Nguyễn Hữu Động là bác sĩ riêng của vua Bảo Đại, cậu ruột của ông theo Cách mạng từ những năm 1945, nằm trong tổ bác sĩ của ông Trần Duy Hưng, làm việc cho Bác Hồ và sau này từng làm Cục trưởng Cục Quân y cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Hữu Động học kinh tế ở Thụy Sỹ và Pháp. Tại Pháp, ông có thời gian làm việc ở phòng Thông tin trong Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, là một hình thức hỗ trợ cuộc thương lượng với Mỹ và với chính quyền Sài Gòn sau đó.
Năm 1982, nằm trong chính sách ngoại giao kinh tế, ông là người được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch giới thiệu vào làm việc tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Làm việc ở LHQ, ngoài hộ chiếu Việt Nam, ông Động được cấp một giấy thông hành chỉ ghi họ tên, ngày sinh chứ không có quốc tịch, học vị. Ông đã đi qua 40 nước với tấm giấy thông hành này. Nhưng dù ở đâu, ông vẫn là "một anh Việt Nam", không ranh giới.
Trong gia đình tôi, ông cụ là bác sĩ riêng của ông Bảo Đại, còn ông cậu ruột thì làm trong tổ bác sĩ của ông Trần Duy Hưng, phục vụ cho cụ Hồ, sau này, trở thành Cục trưởng Cục Quân y của ta cho tới suốt những năm ông về hưu. Tôi chọn con đường mà cả 2 bên đều chấp nhận được: Đấy là con đường phục vụ đất nước. Tôi suy nghĩ, chỗ đứng của tôi ở đâu, trách nhiệm của tôi ở đâu mới là quan trọng.
Sau giải phóng, tôi vẫn công tác với phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, nhưng không còn ở bản tin nữa, mà ở bộ phận nghiên cứu kinh tế của cơ quan. Sau khi đất nước thống nhất, tôi được điều về Phòng Kinh tế của Đại sứ quán ta. Đó cũng là thời điểm tôi gặp ông Thạch (Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch).
Khoảng những năm 1980, ông Thạch quyết định cho tôi nhập vào đoàn Việt Nam ở LHQ để thương lượng về những chuyện chính sách kinh tế. Từ năm 1978 đến 1982, tôi được Bộ Ngoại giao cử làm chuyên viên kinh tế của ta, đi tham dự các hội nghị quốc tế.
Ở phái đoàn của ta tại LHQ, tôi ở chung buồng với một anh bạn, trước là bộ đội. Tình anh em nảy nở trong hoàn cảnh đặc biệt. Khi đón tôi ở New York, ông ấy nói: "Khi ông đi học thì tôi đi lính, bây giờ, ông về đây, ông dạy lại tôi". Tư tưởng này, cũng là từ ông Nguyễn Cơ Thạch xuống: Anh là người yêu nước, tôi chỉ yêu cầu anh một việc thôi: Anh phải giúp đỡ đất nước.
Và dù không nói ra, nhưng cái tôi suy nghĩ, nhiều nhất, là tôi làm gì để xứng đáng với lòng tin của những người như ông Thạch, như ông bạn tôi?
Ông bạn tôi không cần chứng minh điều đó. Cuộc đời của ông, quá trình của ông tạo ra cái gốc để người ta phải tin. Người như tôi thì khó hơn, tôi phải chứng minh trong cái hành động của mình hàng ngày rằng, mình xứng đáng với lòng tin đó.
Cái này có cả mặt hay và mặt dở: Hay là lúc nào mình cũng phải tự mình vượt lên khó khăn để xứng đáng với lòng tin. Cái dở là nhiều khi người ta có mặc cảm rằng, ngày xưa người ta đánh nhau thì ông ăn bơ, sữa ở nước ngoài. Tôi may mắn là không có mặc cảm đó, nhờ những người như ông Thạch, ông bạn tôi.
Đây cũng vừa là bổn phận, nhưng cũng là quyền của công dân. Tôi có quyền tham gia vào cuộc chiến này, dưới mọi hình thức, trong điều kiện của tôi. Ông Thạch công nhận tôi là người Việt Nam, và công nhận quyền của tôi, chứ không phải cho tôi một cái ân huệ. Quyền này là của tôi, cũng như khi đất nước lâm nguy tôi có quyền tham gia.
Trong lúc đó, câu hỏi "Anh chọn bên nào" nó tan đi. Tôi chọn đất nước Việt Nam.
Chiến tranh xong rồi, đến khi bước vào LHQ thì còn 1 nhiệm vụ thôi: là làm sao anh xứng đáng là người Việt Nam trong LHQ. Bằng công việc cụ thể của tôi, họ đánh giá về tôi, về người Việt Nam. Nếu mình làm không tốt, thì mang tiếng đất nước. Trong những năm làm công tác ở LHQ, những năm đó các nước bảo mình học của bên này bên kia, thì nhiều lần cũng nói, tôi học cái gì mà tôi giúp được cho đất nước tôi, thì tôi học.
Hồi còn làm trong LHQ, tôi có đi công cán ở Salvador, cũng nguy hiểm vì lúc đó phong trào cực hữu nổi lên rất mạnh. Tôi gặp ông thủ trưởng của tôi hồi đó là ông Phan Doãn Nam, thư ký của ông Thạch, hỏi: "Bây giờ tôi đi, nó bắt cóc tôi thì làm thế nào?"
Ông ấy trả lời: "Nó bắt ông thì bọn mình gửi 100 người sang thay cậu. Tại vì lương cậu bằng lương 100 người Việt Nam", rồi phá ra cười.
Thực ra đó là câu nói đùa, nhưng cũng là một câu nhắc nhở: Anh làm gì để xứng đáng với cái lương đó? Anh làm gì để có thể bằng 100 người Việt Nam. Đó là lời nhắc nhủ rất khéo, thân tình nhưng rất là nghiêm mà gần 30 năm nay tôi luôn luôn nghĩ tới và làm gì để xứng đáng với lòng tin của các ông ấy.
Hình ảnh của tôi là hình ảnh một anh Việt Nam. Đi đâu người ta cũng nhận ra. Nói tôi là người Việt Nam, là không phải chỉ biết nói tiếng Việt, biết chữ Việt mà thực sự chính văn hóa là cái gắn người ta lại với nhau, sâu xa hơn là cách đối xử với nhau, quan hệ giữa người với người.
Hồi về Việt Nam những năm 1980, tôi được mấy ông nhà mình dắt đi nghe một lớp về kinh tế giảng cho những người chế độ Sài Gòn vừa mới được đi cải tạo về. Tôi ngồi nghe, xong đến lúc trao quà cho những người cải tạo, cậu trai trẻ ngồi bên cạnh hích vào người tôi, nói: "Chú, lên nhận quà đi chứ!".
Quãng năm 1981-1982, đang ngồi ăn phở, thì có cậu bước vào hát. Tôi bảo cậu ấy hát cho tôi mấy bài rồi gọi cho cậu ấy 1 bát phở. Xong, cậu ấy chạy ra ghé tai tôi hỏi: "Họ cho anh ra từ năm nào? Em vừa mới ra được 6 tháng".
Cũng trong năm ấy, tôi đến Bệnh viện Thống nhất trong TP Hồ Chí Minh thăm bà thủ trưởng cũ hồi còn ở Paris, ra ngoài sân gặp mấy ông đúng kiểu bộ đội cũ. Họ đi lại, có ông nhìn tôi, đi tới bắt tay nói:
- Tôi nhìn anh quen lắm.
- Tôi trông ông cũng quen lắm
- Anh hồi xưa ở chiến trường nào?
- Tôi ở chiến trường Paris
- Tôi ở B3
Tức là các ông ấy nhìn mình, cũng nghĩ là tôi là một người Việt Nam trong bộ đội. Mấy cái thí dụ này, cùng một năm, mà cả hai bên đều "nhận" mình, làm cho tôi nghĩ rằng, tôi là người Việt Nam, chấp nhận cái quá khứ của mình nó nằm trong mình chứ không loại nó ra. Chấp nhận quá khứ là bước đầu tiên hòa hợp với nhau.
Ông anh rể tôi, hồi xưa là Giám đốc Nha chiến tranh tâm lý của chế độ Sài Gòn. Năm 2006, ông ấy muốn về nước, nhưng ngại ngần, nên rủ tôi về cùng.
Về đến đây, bước vào trong cửa khẩu, đưa cuốn hộ chiếu Mỹ ra, cậu hải quan đóng dấu xong, mới nói với ông ấy: "Mừng bác về thăm nhà".
Nghe câu nói ấy, ông anh rể tôi đánh rơi cuốn hộ chiếu vì cảm động. Đây là chuyện nhỏ thôi, nó tế nhị lắm, nhưng chỉ một câu nói thôi mà bằng chục bài diễn văn về hòa hợp, hòa giải dân tộc.