Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) bị cách ly với thế giới bên ngoài kể từ ngày 23/1, sau khi nơi đây trở thành tâm dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tuy nhiên, khi tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm lại ở tâm dịch và tăng nhanh ở thế giới, thì những cư dân Hồ Bắc đang mắc kẹt ở nơi xa lại hăm hở tìm cách trở về nhà, với niềm tin rằng Hồ Bắc giờ đây an toàn không kém bất cứ nơi nào khác.
Zhao và chồng – tên Gao – cho biết khi thành phố Vũ Hán bị đóng cửa, hai vợ chồng cô đang ở thành phố Trường Xuân.
Trong thời gian mắc kẹt ở Trường Xuân, Zhao – người quản lý dự án cho một quỹ từ thiện - liên tục lo lắng cho người nhà ở Vũ Hán. Cô thậm chí còn bị phân biệt đối xử vì đến từ vùng tâm dịch.
Nỗ lực tìm đường về nhà của vợ chồng Zhao đã nhiều lần thất bại, vì hệ thống giao thông đồng loạt đóng cửa.
“Chúng tôi đã thử 3 lần nhưng vé tàu của chúng tôi đều bị huỷ”, Zhao nói. “Chúng tôi không có cách nào để trở về.”
Bất chấp việc Hồ Bắc bị phong toả, các tuyến tàu cao tốc chạy qua tỉnh này vẫn hoạt động bình thường, và vẫn dừng lại khi đến thành phố Vũ Hán, bởi đây vốn là trung tâm vận tải lớn ở miền trung Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần như không có ai dám xuống tàu ở Vũ Hán.
Đại đa số cư dân tỉnh Hồ Bắc vẫn bị cấm rời khỏi tỉnh, hoặc thành phố, thị trấn.
Nhưng theo quy định được ban hành hồi đầu tháng 2, các cư dân vẫn có thể trở về tỉnh nhà nếu được xác nhận là người địa phương, và đã qua kiểm tra sức khoẻ.
“Gia đình cháu ở Vũ Hán, vì vậy cháu rất nhớ nhà”, Zhao Bojian, 13 tuổi, nói khi cùng cha xuống tàu ở ga Vũ Hán.
Trước đó, Zhao và cha đang trên đường đi du lịch Nhật Bản thì dịch bệnh bùng phát ở Hồ Bắc. Hai cha con phải tá túc tại Thượng Hải để chờ tình hình khá lên.
“Hai bố con cháu đã tìm cách quay về, vì cháu đã xa nhà quá lâu. Tất cả những gì cháu muốn là trở về nhà”, Zhao nói.
Một người phụ nữ khác xuống tàu ở Vũ Hán trong bộ đồ bảo hộ trắng, kín toàn thân và kính che mắt.
“Tôi chỉ muốn được về nhà an toàn, để tôi yên”, người này nói.
Những người Vũ Hán rời quê trước lệnh phong tỏa đã bị kỳ thị khi đến những thành phố khác.
"Tôi lo mình bị phân biệt đối xử", Zhao nói với một nhà báo trên tàu cao tốc, khi nhân viên trên tàu cố gắng ngắt cuộc trò chuyện với lý do không nên tụ tập đông người.
Zhao và chồng được yêu cầu cách ly 14 ngày ở Trường Xuân. Sau đó, vợ chồng cô thi thoảng vẫn bị chặn không cho vào cửa hàng tạp hóa khi người bán hàng biết họ đến từ Vũ Hán.
"Tôi hiểu cảm xúc của họ. Họ cũng cần tự bảo vệ mình", cô nói.
Dù đã trở về quê hương, nhưng hai vợ chồng Zhao vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình vì hai người sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày nữa.
Ngay khi kết thúc cách ly, Zhao cho biết sẽ tham gia chiến dịch mang những nhu yếu phẩm cần thiết về Hồ Bắc, để phục vụ công tác chống dịch.
Gao – trong khi đó – tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, bao gồm dự án xây bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Cha mẹ Gao hiện vẫn khoẻ mạnh. Nhưng một số bạn bè và người thân đã nhiễm bệnh.
Dù vậy, số người trở về Vũ Hán đang bắt đầu tăng lên. “Thời kì đáng sợ nhất đã qua rồi”, Gao nói.