Từ 01/5/2020, Chính phủ cho hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định Nghị định 107, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế.
Song, thời gian gần đây không có nhiều hợp đồng mới được ký vì nguồn cung vụ lúa Đông Xuân đã cạn, lúa Hè Thu vẫn chưa tới kỳ thu hoạch rộ đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao.
4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo ước đạt 1,9 triệu tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của một số nước ngày 7/5/2020 như sau: gạo Thái Lan, loại 5% tấm có giá 523 - 527 USD/tấn, còn gạo 25% tấm dao động từ 494 - 498 USD/tấn; gạo Ấn Độ, loại 5% giá từ 368 – 372 USD/tấn, loại gạo 25% tấm giá từ 338 – 342 USD/tấn; gạo Việt Nam loại 5% tấm từ 468 – 472 USD/tấn, loại gạo 25% tấm giá 448 – 452 USD/tấn.
Đây là những mức giá cao nhất trong vòng gần 2 năm trở lại.
Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo đã được khơi thông, các doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội giá tốt để xuất khẩu. Hiện giá xuất khẩu gạo của Việt Nam ngang bằng với Pakistan, cao hơn Ấn Độ và thấp hơn Thái Lan. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo Jasmine của Việt Nam cao nhất đạt 573 - 577 USD/tấn, trong khi đó, gạo Hom Mali 92% của Thái Lan lên đến 1.093 - 1.097 USD/tấn.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.HCM, từ khi Việt Nam mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đã giảm nhưng vẫn còn tốt hơn trước khi có lệnh cấm xuất khẩu.
Hiện nay, có một số doanh nghiệp đang lo mua gạo để giao cho đủ lượng hợp đồng đã ký; số khác đã ký được hợp đồng mới nhưng lợi nhuận đã giảm đi, vì giá xuất khẩu nước ngoài đã giảm so với trước khi cấm nhưng giá lúa gạo nội địa vẫn tăng, do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu lại tăng cao.
“Trước khi có lệnh dừng xuất khẩu, so với giá nước ngoài thì giá trong nước thấp hơn nhiều. Từ khi mở cửa xuất khẩu gạo trở lại giá hợp đồng ngoại giảm trong khi trong nước cuối vụ nguồn hàng giảm nhưng nhu cầu cao nên giá tăng. Đây là tiền đề tốt tiêu thụ lúa Hè Thu sắp tới. Dự báo giá lúa Hè Thu năm nay sẽ rất tốt, hiện giá lúa tươi ngoài đồng đang dao động từ 5.100 đến 5.200 đồng/kg, người dân rất là phấn khởi”, đại doanh nghiệp trên nói.
Theo con số của Hải quan thông báo hôm 7/5/2020, khối lượng gạo thực xuất trong tháng 4/2020 ước đạt 248.000 tấn/400.000 hạn ngạch, và khoảng hơn 80.000 tấn nếp. Cộng lượng gạo và nếp xuất khẩu trong tháng 4 đạt 350.000 tấn, và 100.000 tấn gạo chính phủ cho tạm ứng hạn ngạch tháng tháng 5 cũng chưa sử dụng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/5, chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường nên việc áp dụng hạn ngạch đã không còn ý nghĩa.
Quý I/2020 xuất khẩu gạo của cả nước đạt 1,52 triệu tấn, thu về 700,81 triệu USD. Như vậy, cộng dồn 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo ước đạt 1,9 triệu tấn và 886 triệu USD, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá có chiều hướng tăng, nhưng lưu ý yếu tố tồn kho
Tuần lễ đầu tháng 5, sau khi cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại thì giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chiều hướng tăng 200 - 400 đồng/kg so với tuần cuối tháng 4/2020. Cụ thể, lúa OM 5451 khô và ĐT8 giá 7.000 đồng/kg.
Hiện nay, phần lớn nông dân đã bán hết lúa Đông Xuân, vụ Hè Thu cũng sắp đến kỳ thu hoạch. Vụ Hè Thu 2020, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xuống giống hơn 750.000 hecta. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các trà lúa đang trổ chín, do thuận lợi về thời tiết nên năng suất ước đạt 7 - 8 tấn/ha. Dự kiến vụ Hè Thu này toàn vùng ĐBSCL sẽ đạt sản lượng 8,7 triệu tấn lúa. Trong đó, sẽ có khoảng 2,3 - 2,4 triệu tấn gạo hàng hóa cung ứng cho xuất khẩu.
Theo VFA, giá gạo hiện nay tăng tại hầu khắp các thị trường, tuy nhiên cần lưu ý tồn kho trong dân tại khu vực châu Á tăng có thể tác động đến nhu cầu trong thời gian tới...
Nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Chính phủ Indonesia có kế hoạch thu mua khoảng 950.000 tấn gạo trong dân nhằm duy trì tồn kho ở mức 1-1,5 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Philippines cũng cho biết, dạo trữ gạo của nước này đến cuối 2020 sẽ ở mức khoảng 3,27 triệu tấn, tương đương lượng sử dụng trong ít nhất là 94 ngày, mặc dù nhu cầu đối với mặt hàng này khá lớn. Trong khi đó Bộ Lương thực Bangladesh cho biết sẽ mua 1,15 triệu tấn gạo và 800.000 tấn thóc của nông dân trong vụ này để đảm bảo nguồn cung. Việc người dân mua tích trữ đã đẩy giá gạo ở Bangladesh tăng lên mức cao kỷ lục 2 năm.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực gia tăng sản lượng nông nghiệp nội địa khi khuyến khích trồng trở lại 2 vụ lúa/năm.
Myanmar cũng đã khôi phục xuất khẩu gạo bình thường kể từ tháng 5/2020 với khối lượng khoảng 150.000 tấn, trong đó 100.000 tấn xuất qua đường thủy và 50.000 tấn qua đường biên giới. Chính phủ nước này ước tính có trên 2 triệu tấn gạo sẽ được cấp phép xuất khẩu trong tài khóa này (năm ngoái Myanmar xuất khẩu 2,5 triệu tấn).
Xuất khẩu gạo Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 300.252 tấn. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 122.094 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 40,6% tổng xuất khẩu gạo của nước này; xuất khẩu sang châu Âu đạt 97.337 tấn, tăng 48%.