Từ con số 0, vài năm gần đây điện mặt trời, điện gió đã hút hàng trăm nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này.
Năng lượng tái tạo "hút" nhà đầu tư nhờ giá
Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/6, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết: Đến nay có 92 dự án điện mặt trời với hơn 4.693 MW vào vận hành thương mại, ngoài ra còn có 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch với công suất là 13.000 MWp (tương đương 10.000 MW).
Ngoài ra, đã có 9 dự án điện gió với công suất 350 MW điện gió vào vận hành. Tổng công suất điện gió đã được quy hoạch là 4.800 MW. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch. Các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện sinh khối, điện rác thải rắn… vẫn còn khá khiêm tốn hơn.
Điện mặt trời, điện gió đang bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng |
Theo ông Dũng, sự phát triển nhanh và nhiều của nguồn năng lượng tái tạo cũng đặt ra thách thức cho lưới điện truyền tải. Lý do là sự phát triển lưới điện chưa đồng bộ với tốc độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
“Các dự án năng lượng tái tạo hầu hết do nhà đầu tư tư nhân triển khai cho nên tiến độ nhanh. Trong khi đó, các dự án lưới điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện, với nhiều thủ tục phức tạp, giải phóng mặt bằng hạn chế… cho nên các dự án nguồn điện thường đi trước tốc độ xây dựng lưới điện truyền tải”, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, việc thiếu nguồn điện dự phòng, giá FIT thường có thời gian không dài gây khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo; thiếu nghiên cứu tổng thể về điện gió ngoài khơi… cũng là những điểm nghẽn trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của điện mặt trời áp mái, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng việc người dân lắp điện mặt trời trên mái nhà để giải quyết nhu cầu dùng điện là rất hiệu quả. Phần không dùng đến có thể bán lại cho EVN với giá 8,38 cent, tương đương 1.943 đồng/số và thay đổi theo tỷ giá USD/VND.
Ông Võ Quang Lâm chia sẻ: Hiện nay một số nước phát triển rất nhanh, mạnh điện mặt trời áp mái. Đi đầu trong lĩnh vực này là Australia có 14.000 MW hay Đức trong 24.000 MW năng lượng tái tạo của nước này, có khoảng 7.000 MW điện mặt trời áp mái. EVN đang phối hợp với GIZ nghiên cứu thiết lập một hệ thống kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành.
Nhận xét về sự phát triển điện mặt trời, điện gió thời gian qua, ông Võ Quang Lâm cho biết, năng lượng tái tạo hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Tập đoàn Trung Nam đầu tư dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp trạm biến áp, đường dây 500kV. |
Lo lỡ hẹn giá ưu đãi
Là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dụng Trung Nam cho rằng: Chính sách của chính phủ đối với điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn hiện nay rất thoáng cho việc phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Ví dụ đối với điện mặt trời, Chính phủ cho thời gian trong 2 năm là quá ngắn. Tuy nhiên, đây cũng là một trải nghiệm trong việc kêu gọi đầu tư điện mặt trời vì họ làm rất nhanh.
Bên cạnh đó, chính sách của Chính phủ trong giai đoạn sau cũng có nhiều thay đổi làm cho các nhà đầu tư phải điều chỉnh lại. Việc sử đụng đất đai cho điện mặt trời hiện rất lớn. Ngoài ra, đối với điện gió mặc dù đã đầu tư nhiều nhưng hiện còn rất khó khăn do thiết bị toàn bộ phải nhập ngoại. Tất cả những thiết bị lắp đặt và xây dựng cho điện gió đòi hỏi những thiết bị siêu trường, siêu trọng, những xe đặc chủng mới làm nổi, và ở thị trường Việt Nam rất hạn hẹp trong vấn đề này.
“Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cùng với các nhà đầu tư đã đề nghị Chính phủ rời thời gian xem xét, cũng như kiến nghị chính phủ và Bộ Công Thương nên gia hạn 2023 cho các nhà đầu tư và nên giữ giá điện gió thêm 5 năm nữa tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư và tạo sự công bằng với các nhà đầu tư”- ông Nguyễn Tâm Tiến đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với định hướng tại Nghị quyết số 55 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo tại Nghị quyết 55 thông qua quy hoạch phát triển ngành điện, trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện, than, phát triển thủy điện- vốn dĩ năng lượng sạch đã khai thác hết tiềm năng, điện than có nhiều hạn chế, quan điểm chỉ đạo không phát triển nhiều hơn nữa các dự án điện than.
Tuy nhiên, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lưu ý: Việc phát triển mạnh năng lượng cũng phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.
Lương Bằng