Điện gió, điện mặt trời vẫn chưa hết “nóng”. Ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, hàng chục Giga-oát (GW) điện mặt trời, điện gió vẫn đang nằm chờ để được vào quy hoạch.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) lập.
Liên quan đến ngành điện, dự thảo nêu rõ định hướng: Cơ cấu công suất có sự thay đổi dần theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, tăng dần tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo. Tỷ trọng thủy điện sẽ giảm dần do hiện đã khai thác gần hết tiềm năng, các nguồn điện gió và mặt trời sẽ được phát triển mạnh trong tương lai, tỷ trọng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) đạt 49% năm 2020, 48% năm 2030 và 53% năm 2045.
Điện gió, điện mặt trời đã và đang bùng nổ. Ảnh: Lương Bằng |
Đua nhau đăng ký điện gió gần bờ
Về mặt tiềm năng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ khá lớn, tuy nhiên chủ yếu là tiềm năng gió thấp (4,5-5,5m/s) và trung bình (5,5-6m/s), tiềm năng gió cao (trên 6 m/s) là hạn chế.
Tổng công suất nguồn điện gió trên bờ đang vận hành chưa nhiều, khoảng 500 MW. Nhờ ảnh hưởng của cơ chế hỗ trợ giá, rất nhiều dự án đã và đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để kịp tiến độ vào vận hành trước tháng 11/2021, với tổng công suất đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch khoảng 5GW.
Tăng năng lượng tái tạo, giảm nhiệt điện than |
Nguồn điện gió ngoài khơi có tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW, có nhiều nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư tại khu vực Nam Trung Bộ với tổng công suất lên tới khoảng 15GW.
Trong đó, dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (quy mô 3,4GW tại Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) đã được Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát. Tiềm năng gió ngoài khơi lớn nhất thuộc khu vực Nam Trung Bộ.
Hàng chục Giga-oát điện mặt trời nằm chờ bổ sung
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đến nay đạt trên 60.000 MW (60GW) |
Về mặt tiềm năng, khu vực miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời với cường độ bức xạ trung bình từ 1.705-1.910 kWh/m2/năm, cao hơn hẳn khu vực miền Bắc (có cường độ bức xạ chỉ khoảng 1.200 kWh/m2/năm).
Nhờ cơ chế hỗ trợ giá, điện mặt trời đã phát triển bùng nổ tại Việt Nam trong vài năm qua. Riêng năm 2019, nguồn điện mặt trời nối lưới đã được đưa vào vận hành lên tới khoảng 5GW (tập trung chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hơn 2GW).
Tổng công suất của các dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch trên 10 GW (8 GW dự kiến vào vận hành trước 2020 và 2 GW sau 2020).
Tổng công suất đăng ký nhưng chưa được bổ sung là 25 GW (12,3 GW dự kiến vào vận hành trước 2020 và 12,9 GW sau 2020).
Tổng tiềm năng kỹ thuật rất lớn khoảng 1.646 GW (1.569 GW là tiềm năng mặt đất và 77GW là tiềm năng mặt nước), nhưng tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời quy mô lớn chỉ khoảng 386 GW, tập trung chủ yếu ở miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và được tính toán dựa theo chi phí đất đai (thấp và cao) ở tất cả các tỉnh.
Điện mặt trời vẫn chưa hết "sốt" |
Điện mặt trời áp mái có tiềm năng khoảng 48GW, khu vực miền Nam 22GW. Theo Bộ Công Thương, chi phí đầu tư điện mặt trời áp mái thấp hơn (khoảng 12%) điện mặt trời xây dựng trên mặt đất do không có chi phí sử dụng đất và chi phí lưới điện đấu nối, nhưng chi phí vận hành bảo dưỡng cao hơn khoảng 1,6% so với điện mặt trời quy mô lớn và số giờ phát điện công suất cực đại sẽ thấp hơn điện mặt trời quy mô lớn (khoảng 10%). Giai đoạn sau 2025, tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái sẽ được mô hình lựa chọn phát triển ở từng giai đoạn.
Tiềm năng của các dạng năng lượng tái tạo khác
Tổng khối lượng tiềm năng sinh khối toàn quốc khá lớn (khoảng 13,7GW quy đổi), khu vực Nam Bộ có tiềm năng lớn nhất. Mặc dù tiềm năng lớn nhưng khả năng thu gom sinh khối để phát triển các nhà máy điện sinh khối rất khó khăn, nên công suất có thể phát triển của điện sinh khối chỉ khoảng 5-6 GW.
Hiện tại, có khoảng 378 MW điện bã mía đang hoạt động với loại hình đồng phát điện nhiệt ở các nhà máy đường được phát lên lưới, khoảng 100 MW điện trấu và khoảng 70 MW điện gỗ đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Thực trạng và tiềm năng điện sinh khối này được đưa vào mô hình để lựa chọn khả năng phát triển theo từng giai đoạn.
Điện từ rác thải hiện có khoảng 10 MW công suất các nhà máy đang vận hành. Đây là con số rất nhỏ, trong khi nguồn rác thải có tiềm năng phát điện lên tới 1.500 MW, tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Bộ (gần 1.000 MW).
Các loại hình năng lượng tái tạo còn lại như địa nhiệt, khí sinh học, thủy triều hiện nay đều trong giai đoạn nghiên cứu.
Lương Bằng