Cùng đó, dịch Covid-19 trở lại trong cộng đồng, lo ngại dịch bệnh nên người dân có tâm lý tiết kiệm chi tiêu cũng là một yếu tố góp phần tác động.
Ngày 4/8, tại miền Bắc giá heo hơi giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm đầu tuần.
Cụ thể, tại Thái Nguyên giá heo hơi giảm mạnh 3.000 đồng/kg xuống mức 88.000 đồng/kg. Tại Ninh Bình giảm 2.000 đồng/kg xuống 88.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bắc Giang giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 90.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, Tuyên Quang, Hưng Yên, Lào Cai, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, giá heo hơi dao động từ 90.000 - 91.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Nam Định giá heo hơi vẫn ở mức cao nhất toàn miền 92.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung đến 4/8 ghi nhận cao nhất ở mức 87.000 đồng/kg và thấp nhất là 81.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá heo hơi đang đứng, chờ thêm các thông tin mới từ thị trường, giao dịch trong khoảng 85.000 - 89.000 đồng/kg. Đồng Nai vẫn giữ mức cao nhất 91.000 đồng/kg.
Thêm cung từ nguồn nhập mới
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Thú y Việt Nam và sau khi được cục thú y hai nước Việt Nam và Thái Lan cùng đánh giá chất lượng nguồn heo nhà cung cấp, Công ty TNHH MTV Thùy Dương Phát được cấp phép nhập khẩu heo tại Công ty Wangnamyen intertrade limited parrtnership - Thái Lan.
Ngày 1/8, lô heo 1.000 con đã về đến cửa khẩu Bờ Y. Đây là lô đầu tiên của nhà cung cấp mới Wangnamyen, được đánh giá là chất lượng rất tốt, an toàn dịch bệnh.
"Chúng tôi mong muốn hợp đồng giữa Thùy Dương Phát và Wangnamyen intertrade limited parrtnership sẽ gắn kết lâu dài và chất lượng nguồn heo mà phía đối tác cung cấp cũng phải được quan tâm hàng đầu. Thời gian tới công ty sẽ tiến hành nhập heo tại cửa khẩu Bờ Y, khoảng 2 -3 ngày sẽ có một lô heo mới, công ty luôn tôn trọng những khách hàng của mình nên luôn tìm kiếm những nguồn heo chất lượng nhất.
Vì vậy, công ty hy vọng những nhà nhập khẩu khác cũng sẽ như vậy, bảo đảm chất lượng heo tốt khi nhập về Việt Nam, để chia sẻ bớt một phần khó khăn cho các tập đoàn chăn nuôi, cùng nhau góp sức đưa giá thành heo hơi xuống còn và người tiêu dùng có thêm sự chọn lựa về nguồn thịt heo sạch", đại diện công ty Thùy Dương Phát cho biết.
Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, sau hơn 3 tháng công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, tổng đàn heo của tỉnh chỉ đạt 2,03 triệu con, giảm hơn 18% so với thời điểm chưa xảy ra dịch, nên nguồn cung thịt heo trên địa bàn bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn, dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, dịch tả heo châu Phi luôn tiềm ẩn, hạn hán, thiên tai, lũ lụt năm nay rất có thể sẽ diễn biến khó lường, từ đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đang có nhiều thuận lợi hơn khi dịch tả heo châu Phi đã được kiểm soát tốt hơn. Dự kiến đầu quý IV/2020 sản lượng thịt heo sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đáp ứng đủ cầu, hướng tới xuất khẩu
Không những vậy, trong 5 tháng cuối năm 2020, ngành chăn nuôi tiếp tục tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn; mục tiêu quý IV/2020 phải đủ sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thậm chí hướng tới xuất khẩu.Văn phòng Chính phủ mới đây có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu thịt heo và heo sống để kiểm soát giá thịt heo trong nước thời gian tới.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cung, kiểm soát tốt chi phí từng khâu và giảm giá thịt heo.Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tái đàn, tăng đàn, đưa ra số liệu cụ thể về lượng thịt heo dự kiến cho từng tháng, quý để chủ động có phương án cân đối cung cầu phù hợp.
Để giảm ngay áp lực cho nguồn cung thịt heo trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu thịt heo và heo sống về Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được heo về giết thịt ngay và nuôi heo thịt từ các nước lân cận.Bên cạnh đó, phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát công tác nhập khẩu heo sống, phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh và hành vi gian lận thương mại.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức tái đàn kết hợp với việc tăng cường tiêu độc, khử trùng, an toàn sinh học nhằm tránh dịch bệnh tái phát.Với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo tốt khâu lưu thông; chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.
Lực lượng quản lý thị trường chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán, vận chuyển heo thịt và thịt heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới Lào và Campuchia.