Dịch vụ lên ngôi
Hồi đầu năm nay, NHNN đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 15,5-16%. Cuối tháng 11 vừa qua, NHNN đã nới room tăng trưởng tín dụng nhưng chỉ dành cho một vài NHTM có kết quả kinh doanh hiệu quả và tích cực trong vấn đề tăng vốn, xử lý nợ xấu. Tiêu biểu như Techcombank được nới lên 20% sau khi đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây. Phần lớn các ngân hàng khác vẫn đang bị giới hạn room tăng trưởng tín dụng. Giới phân tích dự đoán thời gian tới sẽ có thêm 2 ngân hàng nữa được nới room tăng trưởng tín dụng là VIB và Vietcombank, vì đây là 2 ngân hàng đã được Thống đốc NHNN công nhận đạt chuẩn Basel 2.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP HCM, việc NHNN siết chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán… sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ đầu năm 2019 và áp dụng Basel 2 từ đầu năm 2020 cũng khiến nguồn thu của các ngân hàng bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã phải tính toán cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và chạy đua phát triển mảng dịch vụ nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Trong đó, nguồn thu dịch vụ của các ngân hàng đến từ các khoản bán chéo bảo hiểm (bancassurance), các giải pháp tài chính như sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ… Năm 2018, nguồn thu dịch vụ tăng rất mạnh ở một số ngân hàng lớn. Tại những ngân hàng nhỏ, do thị phần thấp nên mức tăng trưởng thấp hơn, song dịch vụ vẫn chiếm tới 15-20% trong tổng nguồn thu của ngân hàng.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng thu nhập dịch vụ của HDBank có thể sẽ đạt mức 150% trong năm 2018 và 70% trong năm 2019. Tương tự, tăng trưởng thu nhập dịch vụ của MB cũng được dự đoán sẽ đạt mức tăng 80% trong năm 2018 và 50% trong năm 2019, nhờ tăng trưởng thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm. VDSC cũng dự báo thu từ dịch vụ của VietinBank sẽ tăng trưởng 50% trong năm 2018 và 25-30% mỗi năm trong 3 năm tới nhờ tăng trưởng của phí dịch vụ, thẻ ngân hàng, bảo hiểm, phí giao dịch và chứng khoán… Các ngân hàng ACB, Vietcombank và BIDV cũng đang có những kế hoạch riêng có thể thúc đẩy tỷ trọng đóng góp, bao gồm nâng cấp hệ thống và đầu tư ngân hàng số.
Tựu trung lại, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ sẽ còn tiềm năng tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm, tuy nhiên mức tăng trưởng có thể khác nhau giữa các ngân hàng tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của họ. Trong dài hạn, không tính các khoản thu nhập bất thường, VDSC cho rằng tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng từ 8,6% (ước tính năm 2018) lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2022.
“Con gà đẻ trứng vàng” cũng bị ảnh hưởng
TS. Bùi Quang Tín cho biết, theo số liệu thống kê cuối tháng 11 vừa qua, “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit chỉ còn đóng góp khoảng 30% trong tổng hoạt động của VPBank, giảm đáng kể so mức với gần 50% năm 2017. Tương tự, tỷ trọng đóng góp của công ty tài chính HD Saison trong HDBank cũng giảm từ mức gần 40% trong năm 2017 xuống chỉ còn khoảng 21% trong 11 tháng năm 2018.
Theo ông Tín, định hướng siết room tăng trưởng tín dụng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của các công ty tài chính. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính không phải là nhỏ. Thêm vào đó, chậm nhất là ngày 1/1/2020 thì các ngân hàng thương mại phải thực hiện quản lý rủi ro và tính tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel 2. “Với áp lực vừa xử lý nợ xấu, vừa bị siết room tăng trưởng tín dụng, vừa theo chuẩn mực basel 2 thì bằng mọi giá các ngân hàng sẽ phải giảm các hoạt động cho vay có nhiều rủi ro. Trong đó, ba hoạt động cho vay nhiều rủi ro nhất là cho vay bất động sản, cho vay thị trường chứng khoán và cho vay của các công ty tài chính” – ông Tín nói.
Mặc dù vậy, thời gian tới dự báo các công ty tài chính vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở. Theo ông Tín, nguyên nhân là do việc quản lý đối với ngân hàng thương mại chặt chẽ hơn so với công ty tài chính. Các công ty tài chính cũng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cho khách hàng, thời gian giải ngân nhanh chóng hơn…
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài. Điển hình như BIDV với đợt mở bán 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng; Vietcombank cũng có 7 lần phát hành trái phiếu, tổng cộng khối lượng phát hành thành công là 288,3 tỷ đồng; MBBank phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.400 tỷ đồng. Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng với khối lượng lớn liên tục trong những tháng cuối năm được đánh giá là do 2 nguyên nhân chính: Sự thiếu hụt về vốn và mục tiêu đáp ứng chuẩn hệ số CAR theo chuẩn Basel 2. Theo Công ty Chứng khoán BVSC, việc phát hành trái phiếu sẽ khiến các ngân hàng chịu rủi ro lãi suất tăng do đa phần các trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài. Điều này có thể khiến lợi nhuận của các ngân hàng phát hành trái phiếu chịu áp lực nhất định trong các năm tới.