Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm vừa qua, cả nước xuất khẩu trên 2,27 triệu tấn xăng dầu, kim ngạch 984,08 triệu USD, giảm lần lượt 30,8% và 51,2% so với năm trước đó. Giá xuất khẩu của mặt hàng này cũng giảm 29,5%, chỉ đạt trung bình 433,2 USD/tấn.
Xu hướng giảm đến nay vẫn còn tiếp diễn. Theo đó, tháng 12/2020, cả nước xuất khẩu 182.635 tấn xăng dầu, tương đương 78,54 triệu USD, giá 430 USD/tấn, giảm lần lượt 21,3%, 30,3% và 11,5% so với tháng liền trước. Nếu so với cùng tháng năm 2019 thì các con số đó cũng thấp hơn lần lượt 31,4%, 51,5% và 29,3%.
Trong 10 thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam thì có tới 7 thị trường kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút. Trong đó, cả 3 thị trường lớn nhất (Campuchia, Trung Quốc và Singapore, chiếm tổng cộng gần 50% tổng xuất khẩu) đều sụt giảm từ 40 đến 70%.
Campuchia vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu số 1 của xăng dầu Việt Nam, song trong năm 2020 xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 627.377 tấn, kim ngạch trên 250,75 triệu USD, giá trung bình 399,7 USD/tấn, giảm lần lượt 6,7%, 38,5% và 34% so với năm 2019.
Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm tương ứng 61,3%, 71,3% và 25,9%, còn 208.936 tấn (kim ngạch 110,16 triệu USD và giá trung bình 527,2 USD/tấn).
Với thị trường Singapore – chiếm trên 10% tổng xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam, kết quả xuất khẩu năm 2020 cũng không nằm ngoài xu hướng giảm, chỉ đạt 247.817 tấn, tương đương 101,84 triệu USD, giá 410,9 USD/tấn, tăng 23,9% về lượng, tăng 14,4% về kim ngạch nhưng giảm 7,7% về giá so với năm 2019.
Xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Malaysia mặc dù có khối lượng tăng mạnh 31,6% song kim ngạch cũng giảm 9,4% và giá xuất khẩu giảm trung bình 31,1% so với năm 2019, đạt lần lượt 225.260 tấn (63,42 triệu USD, giá 281,5 USD/tấn).
Hai thị trường hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu xăng dầu năm qua tăng mạnh là Indonesia (tăng 5.030%) và Philippines (tăng 1.817%), song không đủ kéo lại xu hướng giảm chung, bởi mỗi thị trường này chỉ chiếm khoảng 1,2% trong tổng xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam năm 2020
Xuất khẩu xăng dầu năm 2021 có nhiều khả năng chưa thể về lại mức của năm 2019 do thị trường dầu mỏ vẫn còn nhiều yếu tố bất trắc.
Mới đây nhất, hôm 19/1, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2021 vói lý do các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 vẫn phủ bóng triển vọng tiêu thụ toàn cầu, mặc dù cho rằng các chương trình tiêm chủng trên diện rộng sẽ giúp khôi phục nhu cầu dầu mỏ trong nửa cuối năm 2021.
Theo đó, tổ chức này dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 5,5 triệu thùng/ngày lên mức 96,6 triệu thùng/ngày vào năm 2021, với nhu cầu ở quý I/2021 sẽ giảm 0,6 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó, trong khi nhu cầu dầu mỏ cả năm 2021 cũng được điều chỉnh giảm 0,3 triệu thùng/ngày.
Dự báo này cũng dựa trên cơ sở giả định rằng trong nửa cuối năm 2021, các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và những nhà sản xuất lớn ngoài nhóm này, trong đó có Nga (OPEC+) sẽ tiếp tục giới hạn sản lượng theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 4/2020.
Báo cáo của IEA cho biết, đến thời điểm hiện tại việc nhiều nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trở lại đã kìm hãm quá trình phục hồi nhưng nỗ lực triển khai tiêm chủng trên diện rộng và hoạt động kinh tế có dấu hiệu tăng trở lại nhờ hiệu quả của các gói hỗ trợ tài chính và tiền tệ được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong nửa cuối năm 2021.