Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank ) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với thay đổi lớn trong cơ cấu tiền gửi.
Cụ thể, lượng tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước bất ngờ vắng mặt trong quý II vừa qua.
Báo cáo cho thấy, tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước đã không còn trên bảng cân đối như thường trực các kỳ trước đây, trong khi cuối năm 2019 còn có tới 87.865 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2020, yếu tố này cũng đã bước đầu thể hiện, khi tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 27.444 tỷ đồng.
Trong suốt chiều dài hoạt động của Vietcombank, cũng như tại các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV và VietinBank), tiền gửi Kho bạc Nhà nước thường đọng lại quy mô lớn, đặc biệt những năm gần đây. Một cầu phần đáng kể trong đó là tiền gửi không kỳ hạn. Đặc điểm này tạo lợi thế lớn trong cân đối nguồn và chi phí vốn so với các ngân hàng thương mại khác.
Tuy nhiên, như BizLIVE đề cập trước đây , từ tháng 11/2019, thực hiện quy định mới, lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước; còn lại tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức này được thực hiện qua đấu thầu khối lượng và lãi suất.
Cũng chính cơ chế đấu thầu trên có thể góp phần giải thích cho sự vắng mặt của nguồn tiền gửi lớn tại Vietcombank quý vừa qua.
Đó là, tùy từng giai đoạn, trên cơ sở cân đối nguồn, ngân hàng tính toán nhu cầu, liều lượng và chi phí để tham gia dự thầu nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước như thế nào. Nếu trong trường hợp dư thừa vốn, tăng trưởng tín dụng đầu ra hạn chế, họ sẽ hạn chế tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, có thể ngẫu nhiên lượng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đáo hạn trước thời điểm chốt sổ dựng báo cáo tài chính quý; hoặc tổ chức này rút ra phục vụ các mục đích sử dụng khác.
Còn tại Vietcombank, quý vừa qua cho thấy nguồn tiền gửi nói chung vẫn tăng trưởng khá tốt dù lãi suất huy động áp thấp nhất hệ thống; thậm chí lượng tiền gửi sang Ngân hàng Nhà nước tăng đột biến lên tới hơn 72.392 tỷ đồng, trong khi cuối 2019 chỉ hơn 34.404 tỷ đồng.
Cơ chế quy hoạch lại tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại đã thực hiện từ cuối năm 2019. Các thành viên cũng đã có hơn nửa năm làm quen với cân đối mới, cũng như có chủ động trong nhận nguồn tiền gửi này qua cân đối đấu thầu. Tuy nhiên, thay đổi lớn về cơ cấu ảnh hưởng đến lợi thế cũng là một điểm được chú ý.
Nhiều năm qua, tiền gửi thanh toán không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước có số dư lớn đọng lại tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Nguồn này góp phần nâng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong cơ cấu huy động. CASA càng lớn, với lãi suất không kỳ hạn, càng thuận lợi để pha loãng chi phí đầu vào.
Nhưng, như trên, việc kết chuyển nguồn tiền không kỳ hạn này về Ngân hàng Nhà nước đã giảm đi nhất định lợi thế trên.
Điểm đáng chú ý nữa, bên cạnh sự sụt giảm tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, CASA của Vietcombank cũng có dấu hiệu suy yếu đi trong 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt trong quý I.
Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng đã giảm khá mạnh từ hơn 263.202 tỷ đồng cuối 2019 xuống 244.436 tỷ đồng cuối quý I/2020. Trong quý II vừa qua, Vietcombank đã kéo lại nguồn tiền gửi này, lên 260.628 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa bằng mức cuối 2019. Trong khi mẫu số tổng huy động tăng lên, tỷ trọng CASA theo đó bị giảm đi.
Trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam những năm gần đây, CASA là một tỷ lệ so sánh, góp phần phản ánh sức cạnh tranh về nền tảng khách hàng của mỗi thành viên. Vì đây là kết quả của phát triển dịch vụ, phát triển khách hàng và mức độ lượng tiền gửi thanh toán đọng lại.
Tại thời điểm này, trong khối ngân hàng thương mại có trọng điểm tiền gửi Kho bạc Nhà nước những năm qua như Agribank, BIDV và VietinBank chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Theo đó, trường hợp vắng mặt nguồn tiền gửi lớn tại Vietcombank mới chỉ là hiện tượng, và như trên còn tùy thuộc vào sự chủ động cân đối nguồn của ngân hàng hoặc có tình huống đáo hạn ngẫu nhiên…
Hiện tượng này cần tiếp tục theo dõi các kỳ báo cáo tiếp theo, vì đây là một cấu phần liên quan đến lợi thế và cạnh tranh giữa các khối ngân hàng trong hệ thống.