7 năm tính từ 2016 đến nay, 16 chung cư cấp D (nguy hiểm, hư hỏng nặng) nằm rải rác trong nhiều quận của TP HCM đã được cơ quan chức năng nhận biết. Việc di dời cư dân những chung cư này tới nơi ở mới, bố trí tái định cư, xây dựng lại chung cư cũ đã được tính toán. Dù vậy, con đường từ tính toán tới hành động dường như không bằng phẳng khi tới năm 2023, thành phố chưa xây dựng được chung cư mới thay thế nào.
Một trong nhiều chung cư bị chỉ mặt, đặt tên là chung cư Tôn Thất Thuyết. Công trình này đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc không còn phục vụ nổi khi đầu tháng 2 vừa qua, lô C gặp sự cố sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi. Ngoài ra, tại các vị trí trước số nhà 101, 205, 210, 201…, các cấu kiện cột, dầm, sàn bê tông, ban công bằng gạch đều bị nứt vỡ có nguy cơ sụp đổ.
Tại quận 4, chung cư Vĩnh Hội cũng trong tình trạng xuống cấp - Ảnh QUỐC ANH
UBND quận 4 sau đó có báo cáo gửi UBND TP và Sở Xây dựng TP xem xét, cấp kinh phí thực hiện gia cố, sửa chữa khẩn cấp các vị trí nguy hiểm cục bộ tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô A, B, C) và chung cư Hoàng Diệu (lô Y) để quận này có cơ sở thực hiện di dời hộ dân.
Tới ngày 18-3, báo chí đưa tin Văn phòng UBND TP HCM phát thông báo khẩn, giao UBND quận 4 căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm, cấp bách theo từng thời điểm để quyết định việc di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân. Những hộ đang ở tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô C) sẽ được bố trí quỹ căn hộ chưa sử dụng đã được phân bố tại chung cư số 4 đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Tình trạng các chung cư cũ tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản bất cứ lúc nào không chỉ diễn ra tại TP HCM mà còn nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, tại Hà Nội, chung cư G6A Thành Công (quận Ba Đình) nhiều ngày nay bị rào chắn bằng tôn xung quanh đề phòng sự cố nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn 21/49 hộ chưa di dời và đang có một số yêu cầu như: Không công nhận kết quả kiểm định nhà là cấp D; muốn có thỏa thuận về diện tích căn hộ, quyền lợi…
Chung cư 155-157 Bùi Viện, quận 1 - một trong những công trình hết date
Phải nói rõ rằng mọi công trình dù kiên cố tới đâu thì đều có thời gian sử dụng được đo bằng số năm cụ thể. Qua số năm đó, sứ mệnh phục vụ con người của chúng lập tức "biến hình" trở thành mối đe dọa với bất cứ sự chủ quan, bình chân như vại, dùng dằng muốn tận dụng nào.
Một nghịch lý hiện nay là nếu tuổi thọ công trình được định lượng thì cách đánh giá sự an toàn của chúng phần nhiều đo bằng định tính với các nhận xét mang tính chủ quan (nên, cần, khẩn, cấp tốc…). Chỉ đến khi có những chỉ báo rõ ràng như sập đà, rung lắc, nứt tường… của công trình đang oằn mình chống đỡ, mòn mỏi "tuổi hưu" thì chúng ta mới nghĩ tới 4 chữ "quyết liệt di dời" - cũng vẫn định tính!
Trong trường hợp các chỉ báo ấy diễn ra ngay tức khắc, đồng thời với tai họa thì tư duy bình chân như vại có lẽ không còn cái giá nào để trả nữa.
Do vậy, trên quan điểm tính mạng người dân là trên hết, không thể để quy trình "thỏa thuận, vận động, thuyết phục" trở thành rào cản lớn trong việc sơ tán cư dân khỏi nơi nguy hiểm. Bởi, sự an toàn của công trình không phụ thuộc vào thời gian các bên mở hội nghị, ngồi lại với nhau để vận động, đong đếm quyền lợi.
Riêng về phía cơ quan chức năng, để hạn chế tối thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của cư dân phải di dời, nên có tầm nhìn xa hơn và hành động dứt khoát hơn trong việc chuẩn bị những khu vực tái định cư, tạm định cư "sơ cua".