“Chiêu” cạnh trạnh của các ngân hàng
Cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm không phải là nghiệp vụ mới trong ngành ngân hàng, và nó cũng không phi pháp. Trong thực tế, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là sản phẩm phổ biến trên thị trường, thậm chí, nhiều ngân hàng cho vay với hạn mức lên tới 100% giá trị sổ.
Có nghĩa, nếu sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng, khách hàng được vay lên tới 1 tỷ đồng. Đặc biệt, với hình thức cho vay này, hầu hết ngân hàng đều giải ngân ngay lập tức mà không cần hỏi nhu cầu vay vốn của khách hàng. Thậm chí, một số ngân hàng còn cho phép khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm online. Theo đó, khách hàng chỉ cần mở hạn mức và đăng ký vay thấu chi trên internet banking hoặc mobile banking là tiền vay về ngay tài khoản, không cần kê khai bất kỳ điều gì về mục đích sử dụng.
Điều này bắt nguồn từ thực tế nhu cầu của chính người dân. Ví dụ, một người gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng, thời hạn 1 năm, lãi suất 7,5%/năm. Song mới được 11 tháng, do đột xuất cần tiền, nếu rút sổ tiết kiệm, họ sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, khoảng 0,2%/năm, thì coi như mất trắng lãi suất. Nếu khách hàng dùng chính sổ tiết kiệm vay lại của ngân hàng 1 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng, lãi suất 10%/năm, thì đến khi đáo hạn sổ, khách vẫn có 75 triệu đồng tiền lãi, và chỉ phải trả thêm cho ngân hàng 8 triệu đồng. Với cách làm này, rõ ràng khách hàng được hưởng lợi lớn, mà phía ngân hàng cũng tạo được niềm tin cho khách trong những lần gửi tiết kiệm tiếp theo.
Tuy nhiên, việc này không có gì đáng nói nếu như nó không quá phổ biến và đặc biệt là hầu như phía các ngân hàng khi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm đều không quan tâm tới phương án sử dụng vốn vay của khách hàng. “Việc này vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay. Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay. Đặc biệt, phải kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm”, NHNN thông báo.
Nhiều ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng. Ảnh minh họa.
Rủi ro “dâng” mặt bằng lãi suất
Lý giải về việc “tuýt còi” của NHNN, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm sẽ có hai vấn đề phát sinh.
Thứ nhất, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ rủi ro cho ngân hàng, vì nếu Nhà nước tịch thu thì ngân hàng sẽ không thể tất toán được.
Thứ hai là hiện nay nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu. Chiêu này được không ít ngân hàng áp dụng, nhất là từ khi NHNN áp dụng chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng.
“Các ngân hàng có thể “lách luật”, tạo một vòng gửi tiết kiệm – cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền – sau đó lại gửi tiền – rồi lại vay tiền… Điều này đã nhân hệ số tiền gửi, tiền vay lên nhiều lần, dẫn đến dư nợ ảo, chỉ tiêu khống”, luật sư Trương Thanh Đức minh họa.
Cũng bàn luận về những rủi ro, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự cảnh báo của NHNN là hợp lý, vì việc vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến rủi ro tài chính. Rủi ro thứ nhất là tạo ra một loại tài sản ảo trên sổ sách ngân hàng tại thời điểm cho vay.
Ví dụ, khách hàng A gửi 10 tỷ đồng tiết kiệm, tài sản của ngân hàng tăng lên 10 tỷ đồng tiền mặt. Ngân hàng sử dụng 10 tỷ đồng này để cho vay khách hàng B. Khi đó, bảng cân đối kế toán "cân bằng" tài sản nợ với tài sản có (10 tỷ đồng huy động của khách hàng A và 10 tỷ đồng cho vay khách hàng B). Sau đó, nếu khách hàng A vay cầm sổ tiết kiệm để vay và ngân hàng đồng ý giải ngân thì ngay tại thời điểm đó, chỉ với một bút toán, ngân hàng đã có ngay một món cho vay mới 10 tỷ đồng và tổng tài sản tăng lên 10 tỷ đồng, mà thực tế chưa có nguồn vốn mới để cân bằng với món cho vay mới. Dĩ nhiên, sau đó ngân hàng phải huy động vốn mới để cân bằng món vay mới, song trên sổ sách thời điểm cho vay, khoản tiết kiệm 10 tỷ đồng đã tạo ra tài sản 20 tỷ đồng cho vay (10 tỷ đồng đã cho vay và 10 tỷ đồng cho vay mới), trong đó 10 tỷ đồng cho vay mới có thể xem như một loại tài sản ảo đối với ngân hàng: tổng tài sản tăng mà không làm thay đổi lợi nhuận của ngân hàng.
Ông Hiếu cho biết, trên thế giới, hình thức cho vay này được gọi là “tín dụng ma” và nhiều nước tiên tiến cấm cho vay loại này.
Rủi ro thứ hai là nguy cơ kéo mặt bằng lãi suất tăng. Quay lại ví dụ trên, ngân hàng huy động 10 tỷ đồng của khách hàng A và đã cho vay 10 tỷ này với khách hàng B, khoản tiền này trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng khi đó cân bằng.
Nếu chủ sở hữu sổ tiết kiệm cầm cuốn sổ này để vay cầm cố 10 tỷ đồng thì bảng cân đối kế toán của ngân hàng bị hụt ngay 10 tỷ đồng và ngân hàng phải huy động ngay thêm 10 tỷ tiền mặt để bù đắp khoảng trống trên bảng cân đối tài sản. Điều này bắt buộc các ngân hàng phải chấp nhận trả lãi suất cao để huy động vốn bù đắp vào khoản cho vay mới.