Ngày 30-3, tin từ Bộ NN&PTNT cho biết Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển, chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn kiểm tra Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG-MARE) của Uỷ ban châu Âu (EC).
Cụ thể, ngày 23-10-2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU). Đồng thời EU đưa ra 9 khuyến nghị đề nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23-10-2017 đến 23-4-2018) nhằm chống hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ban ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để chống khai thác IUU.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, kế hoạch về nhiệm vụ giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu . Theo kế hoạch, đầu tháng 5-2018, DG-MARE sẽ tiến hành đánh giá kết quả triển khai thực hiện của Việt Nam về chống khai thác IUU theo 9 khuyến nghị của EC.
Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch các tỉnh, thành ven biển triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản 2017 đến người dân ven biển. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tổ chức kiểm tra tại cảng nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục triển khai nâng cấp trạm bờ và máy thông tin lắp đặt trên tàu cá, đảm bảo kết nối tự động với nhau. Chuẩn bị hồ sơ liên quan, nhân lực, điều kiện để làm việc với Đoàn kiểm tra, đánh giá của DG-MARE và báo cáo Bộ NN&PTNT trước ngày 12-4 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết việc bị giơ "thẻ vàng" hiện chưa kèm theo các biện pháp trừng phạt về thương mại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có các biện pháp khắc phục, chống IUU hiệu quả thì nguy cơ bị phạt "thẻ đỏ" là rất lớn và kèm theo nhiều hệ lụy khác. Thái Lan từng bị EU cảnh cáo "thẻ vàng" do không đáp ứng quy định về chống khai thác IUU từ tháng 4-2015.
Từ đó cho đến nay, mặc dù nước này đã có nhiều nỗ lực và triển khai một số giải pháp khắc phục như thay đổi khung pháp lý, thực hiện truy xuất nguồn gốc, quản lý tàu cá... nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để nước này được gỡ bỏ "thẻ vàng".
Hậu quả là đến nay, Hiệp định Thương mại tự do giữa Thái Lan – EU vẫn chưa được phê chuẩn khiến doanh nghiệp Thái Lan lỡ nhiều cơ hội phát triển thương mại.
Không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến trình phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa VN và EU, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị cấm cửa ở một số thị trường lớn khác nếu chẳng may bị “thẻ đỏ” của EU.
Giám đốc một công ty xuất khẩu ở hải sản ở Bình Thuận cho biết một số đối tác lớn ở Nhật Bản cũng đã tuyên bố, nếu Việt Nam bị phạt "thẻ đỏ" về IUU từ phía EU thì Chính phủ Nhật Bản cũng không cho phép doanh nghiệp Nhật thu mua sản phẩm hải sản của Việt Nam. Trong khi đó bắt đầu từ tháng 1-2018, Mỹ cũng bắt đầu triển khai chống IUU.
Tuy nhiên, một chuyên gia về xuất khẩu thủy sản cho biết Việt Nam đừng coi "thẻ vàng" của EU là mối lo ngại mà chính là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực hơn, để hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt. Khi đó hải sản vùng biển Việt Nam sẽ dồi dào hơn, khai thác bền vững hơn, gia tăng uy tín và việc lấy lại "thẻ xanh" là chuyện đương nhiên.