Công ty chứng khoán SSI vừa đưa ra báo cáo nhận định xu hướng vốn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, xu hướng đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong gia tăng nhanh, ngược lại với xu hướng chung là một tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên bên cạnh nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một nguyên nhân cần lưu ý là môi trường. Nhiều dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép đầu tư trong bốn tháng đầu năm như hóa chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1), lốp Advance (214 triệu USD, tháng 2), lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD, tháng 4)... đều là các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao.
SSI cũng nhấn mạnh khoảng thời gian chưa đến 10 tháng kể từ khi nổ ra thương chiến (tháng 6-2018) là rất ngắn để hiện thực hóa quyết định dịch chuyển đầu tư do áp lực tăng thuế của Mỹ.
Trong khi đó, các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc chắc chắn đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.
Trong một nhận định tương tự, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người muốn thay đổi ngành công nghiệp cũ bằng công nghiệp mới. Họ dư thừa rất nhiều năng lực sản xuất và Tập cũng không muốn những ngành ô nhiễm ở lại trong nước.
"Thế thì trong bối cảnh cả chính sách công nghệ và chính sách môi trường như vậy thì việc các doanh nghiệp Trung Quốc đi ra bên ngoài cũng không hoàn toàn liên quan đến chuyện thương chiến" - ông Thành nói.