Giải mã với Thanh Niên về động thái của Mỹ trong việc tăng thuế hàng loạt mặt hàng của Trung Quốc, tiến sĩ Scott Kennedy, Giám đốc Dự án kinh doanh và kinh tế chính trị Trung Quốc - thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), nhận xét: “Bước đi của Washington được xem là nỗ lực có sức nặng nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ và đặt ra những rào cản nhằm vào chính sách công nghiệp của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cũng dự báo: “Bắc Kinh chắc chắn sẽ không “chịu thua”, và đến nay thì họ cũng đã có những phản ứng đầu tiên”.
Chính vì vậy, theo ông Kennedy, tình hình có lẽ sẽ còn leo thang căng thẳng. “Điều này gây ảnh hưởng lên các nước đang tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ tình hình này, sẽ rất khó đưa ra một dự báo chắc chắn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian tới. Khu vực có thể sắp trải qua nhiều biến động”, tiến sĩ Kennedy lo ngại.
Nguy cơ gây ảnh hưởng sâu rộng cũng là điều mà Giáo sư Ann Lee, một chuyên gia về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung và là cây bút bình luận trên các đơn vị truyền thông hàng đầu thế giới, đặt ra khi trả lời Thanh Niên. Bà Lee dự báo: “Cuộc chiến thương mại không chỉ dẫn đến kết quả đáng lo ngại cho Mỹ hay Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Đó là vì bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khiến cho các nước đều có liên quan trong chuỗi cung ứng chung”.
Cụ thể hơn, Giáo sư Lee chỉ ra: “Việc giá cả tăng đột ngột sẽ tạo cú sốc dây chuyền trên chuỗi cung ứng. Hậu quả của cú sốc này là lợi nhuận suy giảm, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng đáp ứng cho chi phí, nên thậm chí sa thải bớt nhân sự, cắt giảm mức lương. Không chỉ vậy, người tiêu dùng ở nhiều nước sẽ đối mặt nguy cơ vật giá leo thang, gây ra lạm phát tăng cao. Thực tế, chiến tranh thương mại không hề giống như những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn là “tốt cho doanh nghiệp và người lao động. Khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc chiến thương mại này”.
Trong khi đó, đánh giá về ảnh hưởng đối với các nước, Giáo sư Dwight Perkins, cựu Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - Đại học Harvard (Mỹ) và là chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình kinh tế Đông Á, có phần lạc quan: “Một số quốc gia “đứng ngoài” có thể hưởng lợi khi dựa trên những thay đổi của một bên nào đó đang trong cuộc”. Tuy nhiên, cơ hội này không hề vững bền, khi ông Perkins cũng thừa nhận rằng: “Nguy cơ lớn hơn khi cuộc chiến tranh thương mại leo thang khi các bên liên quan đưa ra những biện pháp “ăn miếng trả miếng” sẽ gây ra tổn thương cho tất cả các bên”.
Bất đồng lan rộng Theo Reuters ngày 24.3, đại diện Mỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã khiếu nại để yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm nhập một số loại rác. Lâu nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên liệu tái chế lớn nhất thế giới và lệnh cấm mới đã lập tức khiến nhiều nước phương Tây lao đao. Phía Mỹ lập luận Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm được quy định đối với thành viên WTO bằng cách áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với rác trong và ngoài nước. Hiện căng thẳng song phương đang dâng cao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký chỉ thị về việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng loạt mặt hàng Trung Quốc trị giá 60 tỉ USD. Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Washington “phải hành động” vì Bắc Kinh “không chân thành trong việc mở cửa kinh tế như đã cam kết”. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố kế hoạch áp thuế suất nhập khẩu 15% và 25% lên 120 mặt hàng Mỹ, với tổng trị giá gần 3 tỉ USD còn Phó thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố nước này “đủ sức bảo vệ lợi ích quốc gia”. Bên cạnh đó, có dấu hiệu cho thấy bất đồng đã vượt khỏi phạm vi thương mại khi phái đoàn Mỹ bỏ phiếu chống một nghị quyết tại Hội đồng nhân quyền LHQ do Trung Quốc soạn thảo về “thúc đẩy hợp tác vì lợi ích lẫn nhau trong lĩnh vực nhân quyền”. Theo Reuters, Mỹ cho rằng nội dung nghị quyết có nhiều điều khoản cho thấy Trung Quốc “đang cố làm suy yếu hệ thống nhân quyền LHQ và các chuẩn mực củng cố hệ thống này”. Tuy nhiên, ngoài phiếu chống của Mỹ, nghị quyết đã được thông qua với 28 phiếu ủng hộ và 17 phiếu trắng. |