Thông tin từ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tại cảng Cát Lái có gần 3.000 container hàng tồn (khoảng 5.200 teu) và đã chuyển đến Tân Cảng Hiệp Phước 800 container (1.500 teu). Chỉ có khoảng 350 container trong đó đã được mở và kiểm tra theo quy định nhưng vẫn để hàng ở cảng mà chưa thể xử lý, chuyển đi. Tại Tân Cảng Hiệp Phước, lượng hàng nằm cảng đã chiếm 60%-65%. "Việc chiếm dụng bến bãi sẽ hạn chế khả năng tiếp nhận hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) khác đồng thời gây ra tình trạng ùn ứ, nhất là trong dịp Tết" - đại diện Tân Cảng Hiệp Phước cho biết.
Theo tính toán, tốc độ quay vòng của 1 container ở cảng trung bình 5-6 ngày nên 1 teu hàng nằm cảng 1 năm sẽ làm mất cơ hội tiếp nhận 55-60 teu khác. Như vậy, nếu không có giải pháp đồng bộ, cảng Cát Lái sẽ rơi vào tình trạng ùn ứ trong thời gian tới, gây bất lợi cho DN nhập khẩu và cảng, ảnh hưởng kinh tế chung của TP HCM.
Xếp dỡ hàng hóa ở cảng Cát Lái (TP HCM) Ảnh: Hoàng Triều
Ông Nguyễn Trọng T., đại diện một DN chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái, cho biết hàng hóa nhập cảng này có xuất xứ từ nhiều nước, trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc. Container tồn ở cảng nhiều ảnh hưởng đến việc giao dịch hàng hóa vì bị chậm trễ. Cụ thể, đối với hàng luồng đỏ theo yêu cầu phải kiểm hóa, trước đây việc chuyển hàng từ bãi trung tâm ra bãi kiểm hóa chỉ trong thời gian ngắn thì nay phải mất vài ngày, thậm chí lên đến 5-6 ngày, gây khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn ở cảng quá nhiều cũng khiến DN nhập hàng rời (đóng container chung) mất thêm nhiều thời gian để lấy hàng ra khỏi kho.
Đại diện Cục Hải quan TP HCM xác nhận cuối năm nên hàng hóa ở cảng nhiều hơn ngày thường. Riêng hàng tồn là nhựa phế liệu vẫn đang trong quá trình kiểm tra xử lý, chưa thể đem ra ngoài khiến lượng hàng ở cảng gia tăng, gây khó khăn cho việc lưu thông ở cảng vào dịp cuối năm. Hiện cơ quan hải quan đang phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị rút ngắn thời gian xử lý lượng hàng tồn đọng này.
Theo một cán bộ thuộc Tân Cảng Sài Gòn, thông thường việc xử lý hàng tồn được tiến hành theo trình tự, quy định tại Thông tư 203. Tuy nhiên, quy trình này kéo dài nên cần có cơ chế đặc thù để xử lý nhanh. Trước mắt có thể cho phép phía cảng nhanh chóng đưa hàng phế liệu nhựa về cảng Long Bình (quận 9) để lưu giữ chờ xử lý nhằm giải phóng tình trạng ùn ứ ở cảng Cát Lái.
Trước đó, các bộ, ngành đã họp và thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm kê, phân loại các lô hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức trong khi cuối năm hàng hóa ở cảng đầy ắp.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 4 cảng biển có lượng hàng hóa làm thủ tục lớn nhất nước gồm: Hải Phòng, Cát Lái, Bình Dương, Cái Mép. Trong đó, Cát Lái đang phải chịu áp lực lớn vì hàng phế liệu tồn đọng nhiều. Để giảm áp lực, tạo thông thoáng cho DN thuận tiện thông quan hàng hóa trước Tết nguyên đán, Bộ Giao thông Vận tải cho phép di chuyển hàng về cảng ICD Tân Cảng - Long Bình lưu giữ và thực hiện các thủ tục hải quan.
Tiếc là đến nay, bộ này vẫn chưa có hướng dẫn chính thức nên các cảng vẫn chưa thể tạm xử lý lượng rác thải tồn đọng nói trên nhằm trả lại mặt bằng cho hàng Tết vào cảng.