Sáng 19/11, trả lời câu hỏi của HĐXX về kết luận của Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), liên tục khẳng định tôn trọng kết quả truy tố của VKS và tôn trọng lời khai của bị cáo Phan Sào Nam trước đó.
Hàng tháng đều báo cáo hoạt động của CNC
Theo lời khai trước tòa, bị cáo Dương cho biết thành lập CNC theo đề án thành lập công ty bình phong trực thuộc C50 phục vụ các hoạt động nghiệp vụ và công ích. Bị cáo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, không hiểu sâu về lĩnh vực công nghệ nhưng được một nguyên Thứ trưởng Công an đã mất giới thiệu. Thỏa thuận ban đầu C50 góp 20% vốn, sau đó dù không thực hiện góp vốn và nhân sự nhưng bị cáo Dương vẫn làm vì tôn trọng sự giới thiệu của vị cố Thượng tướng này.
Các hoạt động của CNC có sự giám sát của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Hàng tháng, quý và hàng năm đều có báo cáo.
Về hợp đồng 010 ký với VTC Online, bị cáo cho biết đã báo cáo với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa ngay sau khi kí hợp đồng.
Xin nhận trách nhiệm cho nhân viên và xem xét giảm nhẹ tội cho người chơi
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Dương cho biết ban đầu không nghĩ doanh thu và số tiền người chơi thiệt hại lớn như thế. Tổng số tiền người chơi nạp vào là hơn 9.000 tỷ đồng, chia bình quân cho hơn 6 triệu tài khoản chơi thật sự tương đương mỗi cá nhân nạp hơn 1 triệu đồng.
Biết nhiều người chơi bán nhà cửa, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình. Cùng đó, Nguyễn Văn Dương cũng xin nhận toàn bộ trách nhiệm cho nhân viên thực hiện theo chỉ đạo vè mong muốn HĐXX miễn trách nhiệm cho các bị cáo là nhân viên của mình. Đồng thời, là Chủ tịch HĐTV và người đại diện pháp luật của CNC, bị cáo Dương cũng xin nhận toàn bộ trách nhiệm.
Đối với người chơi, bị cáo cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là người chơi trong vụ án này.
Đã có 2 game tương tự được cấp phép trước RikVip
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Văn Dương có vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc. Trả lời trước tòa, bị cáo Dương khai mình có vai trò trong việc xin giấy phép, xây dựng cổng thanh toán.
Về giấy phép, Nguyễn Văn Dương cho biết có lý do "ngoài tầm kiểm soát" khiến việc xin giấy phép bị chậm trễ. Cụ thể, được cơ quan chức năng khi đó cho biết là vì đang có một văn bản quy định đang trình Chính phủ sửa đổi (Nghị định 71 sửa đổi Nghị định 72 theo lời khai của bị cáo Dương). Tuy nhiên, luật sư cho biết khoảng thời gian này không có dự thảo sửa đổi đã trình lên Chính phủ nhưng bị cáo cho biết đấy là nội dung được nghe từ các cơ quan chức năng.
Trên thị trường khi đó, 2 game đã thực hiện đổi thưởng ra tiền mặt là ongame của Công ty VDC-Net2E và PlayZing của VNG trước RikVip. CNC đã xin phép thí điểm trò chơi có hình thức tương tự 2 trò chơi đã được cấp phép.
"Năm 2011-2013, hình thức game này trên thị trường rất phổ biến, CNC đã có nhiều báo cáo có ý kiến về việc hoạt động lĩnh vực này và đề xuất có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, thời điểm đó, qua trao đổi với lãnh đạo C50, bị cáo được biết chưa có chế tài hợp lý với hoạt động này. Do đó, CNC được giao nhiệm vụ tiếp tục tham gia hóa trang vào hoạt động này để nắm bắt tình hình, báo cáo tham mưu lãnh đạo", ông Dương cho biết.
Luật sư hỏi lý do khiến công ty bình phong không còn mật
Giải trình về lý do quyết định đổi tên pháp nhân và tên game bài hồi tháng 8/2016, bị cáo Dương cho biết việc đổi tên để đảm bảo công tác bí mật của CNC.
"Công tác của CNC là nghiệp vụ bí mật nên không được để lộ bí mật. Sau khi có ý kiến của C50 về việc không để lộ công tác bí mật tôi đã cho dừng", bị cáo Dương cho biết.
Chất vấn ngược lại nội dung này, luật sư hỏi lý do công ty bình phong nhưng nhiều người điều biết. Bị cáo này khẳng định trong quy chế nội bộ của công ty đã đề rõ nguyên tắc này nhưng có thể trong quá trình hoạt động đã để lộ, lọt thông tin.
Ngạc nhiên với tội danh rửa tiền
Ngoài tội danh Tổ chức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương còn bị khởi tố khi thực hiện rửa tiền thông qua nâng vốn điều lệ của CTCP đầu tư UDIC bằng cách quay vòng hai khoản tiền 24 tỷ đồng và 30 tỷ đồng nâng khống vốn điều lệ.
Tại tòa, bị cáo cho biết khi khởi tố đã rất ngạc nhiên. "Tội danh này với người dân Việt Nam chưa được phổ biến. Bản thân bị cáo khi thực hiện không nhận thức được là hành vi rửa tiền mà chỉ nghĩ đơn thuần là sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này đầu tư vào lĩnh vực khác", bị cáo Dương nói.
Bị cáo cũng xác nhận là có khoảng 20 tỷ tiền từ hoạt động tổ chức game bài góp vào Đầu tư UDIC. Bị cáo không sử dụng toàn bộ nguồn tiền đó nhưng cũng không chứng minh được các nguồn tiền khác cụ thể.
Về việc khắc phục hậu quả, bị cáo cho biết sau thời gian tạm giam 1,5 năm nay tài sản của bị cáo bị thất thoát nhiều trong khi gia đình không biết các khoản này. Thời gian đầu tạm giam, bị cáo cũng đã đề xuất tại ngoại thu hồi các khoản đầu tư bên ngoài nhưng không được chấp thuận. Theo cáo trạng, đến nay mới thu hồi được gần 161 tỷ đồng và phong tỏa 8,1 tỷ đồng tiền mặt, kê biên 4 ô tô.
Bị cáo cho hay nếu được tại ngoại sẽ thu hồi lại được 329 tỷ đồng từ các đối tác để khắc phục toàn bộ số tiền cho nhà nước. Trong đó, bị cáo nhờ HĐXX thu hồi số nợ 60 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Cầu đường Sài Gòn để tính vào phần khắc phục hậu quả nộp cho nhà nước.
Trong phiên tòa chiều nay, HĐXX sẽ tiếp tục xét hỏi bị cáo Dương. Trong đó, nội dung liên quan đến lời khai của bị cáo Dương liên quan đến các tài sản, tiền đưa cho các bị cáo là cựu tướng công an sẽ được HĐXX tiếp tục xem xét vào đầu giờ chiều.