"Cách đây 3 ngày, vào bệnh viện thăm ông Lê Hùng Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Exinmbank), chúng tôi thấy sức khỏe của ông rất yếu nhưng ông vẫn nhận biết được mọi người. Thế mà hôm nay (17-6) ông đã đi về cõi vĩnh hằng" - Tổng Giám đốc Eximbank Trần Tấn Lộc nói với phóng viên Báo Người Lao Động.
Tên tuổi ông Lê Hùng Dũng gắn với một thời kỳ sóng gió của bóng đá Việt Nam cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Không chỉ được biết đến với tư cách con trai của một chính khách nổi tiếng, bản thân ông Dũng với tư cách là một doanh nhân trẻ thành đạt, lại yêu thích bóng đá, đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực thể thao và mang lại nhiều nét mới cho bóng đá Việt Nam thời chập chững lên chuyên.
Nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Lê Hùng Dũng
Người hâm mộ từ chỗ tò mò rồi thích thú dõi theo vị doanh nhân có đôi chân mày đen xếch ẩn dưới mái tóc bạc trắng, giọng nói rổn rảng, xuất hiện vào thời đội bóng Công an TP HCM chuyển giao sang Ngân hàng Đông Á với tuyên bố chắc nịch: "Lê Huỳnh Đức là ngôi sao của bóng đá Việt Nam, giá thị trường không dưới 1 triệu USD".
Ông gắn bó mật thiết dần với bóng đá, trở thành quan chức của Liên đoàn bóng đá TP HCM rồi Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tham gia vào vị trí ủy viên, phó chủ tịch phụ trách tài chính, vận động tài trợ với những tuyên bố về các dự án trị giá nhiều trăm tỉ đồng rồi ứng cử thành công vào cương vị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam dù ông xuất thân không từ giới thể thao.
Bóng đá Việt Nam thời kỳ ông nắm trọng trách có nhiều biến động, cả những thay đổi tích cực lẫn những vấn đề tiêu cực lớn. Ông từng kiến nghị mời công an vào cuộc để làm rõ về những trận thua bất thường của đội tuyển Việt Nam, hay các đội bóng dính líu tiêu cực ở các giải hạng Nhất, V-League. Sự thẳng thắn, ý thức quyết liệt của ông khiến nhiều người ghét nhưng vẫn được số đông đồng tình bởi không phải ai cũng chấp nhận thỏa hiệp với cái xấu.
Ông Lê Hùng Dũng thời ngồi ghế chủ tịch VFF
Khi tình hình sức khỏe sa sút dần, ông Dũng rút về hậu trường từ hơn 5 năm nay, ít khi xuất hiện kể cả tại các sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam. Những điểm nhấn trong giai đoạn ông nắm quyền tại VFF có thể kể đến việc tuyển U20 Việt Nam lọt vào vòng chung kết World Cup, hay sát cánh cùng ông bầu Đoàn Nguyên Đức trong việc mời HLV Park Hang-seo về làm việc tại Việt Nam.
Những đóng góp của ông Lê Hùng Dũng trên mọi cương vị trong hành trình đầy sôi nổi ấy rất đáng được ghi nhận như một phần quan trọng của lịch sử bóng đá nước nhà.
Ông Lê Hùng Dũng tên thật là Nguyễn Hùng Dũng, sinh ngày 11-1-1954, tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khi làm khai sinh gốc, ông mang họ Nguyễn theo thân phụ là Nguyễn Quyền Sinh (tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm) - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. Anh trai của ông là Nguyễn Hùng Việt cũng mang họ bố nhưng ông Dũng phải đổi sang họ Lê của mẹ khi chưa đầy một tuổi. Trong cuốn "Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời" của tác giả Giản Thanh Sơn, ông Dũng chia sẻ: "Lúc mới 7-8 tháng tuổi, tháng 8-1954, má tôi bồng tôi và anh tôi xuống thị xã Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để tiễn ba tôi đi tập kết ra Bắc theo hiệp định đình chiến Geneve. Má tôi, anh tôi và tôi bắt đầu một cuộc trường chinh 21 năm mưu sinh để tồn tại, đấu tranh để sinh tồn vì gia đình tôi bị mật vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa xếp vào loại cần theo dõi, quản lý chặt chẽ. Vì vậy, khi làm lại giấy tờ khai sinh, má tôi phải khai tôi mang họ Lê của bà”.
Khoảng năm 2014, khi còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng bị bệnh liên quan đến gan. Sau thời gian điều trị trong nước, ông tiếp tục sang Nhật Bản điều trị. Sau đó, sức khỏe ngày càng tốt đã giúp ông Dũng điều hành công tác quản trị Eximbank và các hoạt động bóng đá. Năm 2010, ông được các cổ đông Eximbank tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2015. Trong khoảng thời gian này, ngoài vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hoạt hoạt động kinh doanh của Eximbank, ông còn là nhân vật chính tồ chức sự kiện CLB bóng đá Arsenal sang Việt Nam giao lưu và thi đấu với đội tuyển bóng đá trong nước quốc gia.