Sáng ngày 9/5, TAND Tp.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và 27 đồng phạm về 2 tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Mời làm cố vấn HĐQT, mời mua cổ phần và mời làm Chủ tịch Ngân hàng
Theo lời khai của Hoàng Văn Toàn – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín cho biết từng trải qua một quá trình dài làm trong ngành ngân hàng, rồi được bạn bè giới thiệu với bà Hứa Thị Phấn. Từ đó, bị cáo Hoàng được bà Phấn gọi vào làm tại Ngân hàng Đại Tín, sau khi gặp mặt thì bà Phấn đề nghị bị cáo vào làm cố vấn HĐQT của Ngân hàng Đại Tín.
Khi được HĐXX hỏi: "Trên cơ sở nào bị cáo biết bà Phấn là chủ ngân hàng?", bị cáo Toàn khai báo qua nói chuyện tiếp xúc cho rằng bà Phấn là chủ của ngân hàng, vì nếu là chủ thì mới dám mời bị cáo về làm và có tư cách quyết định việc ở ngân hàng.
Như vậy, cuối năm 2008, bị cáo Toàn bắt đầu vào làm tại Ngân hàng Đại Tín, ban đầu bị cáo không có phòng làm việc và chỉ có nhiệm vụ nắm tình hình thôi. Bị cáo làm như vậy cho đến kỳ họp cổ đông năm 2009, bị cáo Toàn cho biết. "Qua tìm hiểu, bị cáo thấy Ngân hàng Đại Tín là ngân hàng nhỏ, mang tính chất nông thôn và có vốn điều lệ ít và có khả năng trở thành ngân hành đô thị, nhưng bị cáo không tìm hiểu rõ lắm. Tiêu chí để đánh giá của bị cáo thông qua yếu tố quy mô mạng lưới và tổng tài sản".
Không dừng lại, bà Phấn sau đó có mời bị cáo Toàn mua cổ phần nhưng bị cáo nói không có tiền, bị cáo Toàn tiếp tục khai báo. Tiếp tục, bà Phấn nói đưa bị cáo Toàn vào làm Chủ tịch HĐQT, nhưng để tham gia thì phải có cổ phần vì vậy bà Phấn nói bị cáo Toàn đứng tên giùm bà Phấn.
Theo đó, tham gia cổ đông thì lúc đó số cổ phần bị cáo Toàn nắm chỉ dưới 5%. Khi bị cáo Hoàng được bầu vào thành viên HĐQT, hội đồng theo lời khai bị cáo lúc đó có khoảng 7-8 người. "Mọi người bầu bị cáo làm Chủ tịch và ông Trần Sơn Nam làm Tổng Giám đốc. Theo quy chế thì Chủ tịch HĐQT là người đứng đại diện theo pháp luật, khi bị cáo vào Ngân hàng Đại Tín làm chỉ với tư cách làm thuê cho bà Phấn vì bị cáo không có thực danh, không có thực quyền mà chỉ là pháp lý", bị cáo Toàn nói.
"Bà Hứa Thị Phấn thực tế đã trải qua 5 ngân hàng"
Được biết, không chỉ riêng bị cáo Toàn, khi được hỏi ngoài bị cáo thì các thành viên khác trong HĐQT có bị tình như vậy không, bị cáo Toàn cho rằng là các thành viên khác cũng như mình. Mặt khác, bị cáo Toàn khẳng định bà Phấn mặc dù nói với bị cáo rằng chưa làm ngân hàng và không có chức vụ, nhưng thực chất bà Phấn đã trải qua 5 ngân hàng.
Theo ghi nhận trong cáo trạng truy tố của Viện KSNDTC, đầu năm 2007 bị cáo Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ cùng 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bị cáo Phấn (gọi tắt là Nhóm Phú Mỹ) mua 254.751.970 cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương 2.547,5 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín. Hứa Thị Phấn giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (theo Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm số 134 ngày 31/12/2008, thôi giữ chức vụ theo Quyết định số 96 ngày 03/12/2012 của HĐQT), bị cáo Phấn có nhiệm vụ tư vấn cho Thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Phấn bị cáo buộc đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín thực hiện và chỉ đạo nhân viên Ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là 12.005,7 tỷ đồng.