Sáng 31/3, thông tin thêm về quá trình xử lý sự cố nghẽn lệnh trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ( HoSE ) tại Toạ đàm trực tuyến: "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững", bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hiện phương án xử lý do FPT đang được triển khai tích cực, đã bắt tay vào giai đoạn làm mô hình thử nghiệm.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để chỉ có cách đưa vào sử dụng hệ thống thông tin mới của Hàn Quốc, nhưng từ giờ đến khi chính thức đưa hệ thống mới vào vận hành sẽ tốn khoảng thời gian khá dài, UBCKNN vẫn khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao dịch qua HNX. "Một khi hệ thống được thông suốt, các doanh nghiệp có thể quay về HoSE mà không có thủ tục phát sinh nào", bà Bình khẳng định.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN
Theo bà Bình, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố nghẽn lệnh trên sàn HoSE là do công suất thiết kế hệ thống giao dịch của sàn không đáp ứng được nhu cầu hiện nay, bởi hệ thống này đã được sử dụng từ cách đây 20 năm.
Vừa qua, Bộ Tài Chính đã làm việc với FPT để xử lý sự cố nghẽn lệnh của sàn HoSE. Hiện tại, FPT đã khảo sát xong và đưa ra phương án xử lý. Cụ thể, FPT sẽ lắp đặt phần cứng tại HoSE và sử dụng phần mềm tại HNX để tuỳ chỉnh để giao dịch tại HoSE. Nếu như việc test hệ thống không phát sinh thêm vấn đề thì kỳ vọng cuối năm nay sẽ sử dụng được hệ thống mới và sẽ khắc phục được triệt để vấn đề nghẽn lệnh.
Với các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng về mặt hình ảnh khi chuyển sàn giao dịch từ HOSE sang HNX, bà Bình khẳng định đây là sự bẻ lái luồng giao dịch đang tắc nghẽn sang một kênh thông thoáng hơn. Hiện, quy định pháp lý của Luật Chứng khoán không còn phân biệt việc niêm yết giữa Sở HoSE và HNX.
Có nên hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường?
Bàn về vấn đề nghẽn lệnh tại sàn HoSE, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm một tỷ lệ lớn giá trị thanh khoản hàng ngày. "Rủi ro khi dòng tiền vào ra rất nhanh, đã từng có phiên VN-Index giảm tới 7%", ông Minh dẫn chứng.
Tham khảo thị trường Đài Loan, trong lịch sử, đã có thời kỳ mà nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm thanh khoán lớn trên thị trường chứng khoán Đài Loan. Hướng giải quyết được các cơ quan quản lý đưa ra khi đó là đẩy mạnh sản phẩm ETF (Exchange Traded Fund - quỹ hoán đổi giao dịch) nhằm hạn chế nhà đầu tư nhỏ lẻ, tăng nhà đầu tư tổ chức.
Bên cạnh đó, Đài Loan cũng thành lập công ty chỉ số trực thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán. Ngoài ra, công ty này liên kết các chỉ số chứng khoán khác, tạo ra các quỹ ETF thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. "Đây cũng là cách có thể giúp chúng ta giảm tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân", ông Minh nói.
Công nghệ lỗi thời, nguyên nhân gốc là do quản trị
Đề xuất xây dựng thị trường chứng khoán trong thời gian tới, TS. Vũ Bằng - Nguyên Chủ tịch UBCKNN cho rằng, nên sớm cổ phần hoá sở giao dịch chứng khoán để có thể áp dụng mô hình quản trị mới.
"Các sở giao dịch chứng khoán luôn yêu cầu các công ty niêm yết phải quản trị theo nguyên tắc OECD, thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết theo hướng quản trị mới. Trong khi đó, chính các sở lại không cải cách về quản trị, vẫn là sở hữu nhà nước thì không hợp lý", ông Bằng nói.
Theo ông Bằng, tất cả những lỗi hệ thống, tình trạng công nghệ cũ trong thời gian qua nguyên nhân gốc vẫn là vấn đề cải cách quản trị và sở hữu.
Nguyên Chủ tịch UBCKNN đề xuất Việt Nam có thể học Ba Lan. Sở giao dịch chứng khoán của quốc gia Đông Âu này thực hiện cổ phần hoá một phần nhỏ, trước tiên là 2%, đủ để chuyển đổi thành công ty cổ phần, có hội đồng quản trị. Sau đó, khi thị trường phát triển, công nghệ tân tiến được áp dụng thì mới bán thêm một chút cho nhà đầu tư ngoại khoảng 5-7%.