Từ người bị hại lại thành bị cáo?
Sau khi Viện kiểm sát (VKS) đưa ra ý kiến, quan điểm luận tội đối với 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) phạm tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo đã có phần tự bào chữa cho mình.
10 cựu lãnh đạo Navibank trong phiên tòa hôm nay. Ảnh: Ngọc Hoa |
Bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro của Navibank cho rằng, bị cáo không tham gia vào quy trình thực hiện, cũng như phê duyệt chủ trương, chỉ tập trung phần báo cáo. Bị cáo thừa nhận đã ký vào biên bản để cho nhân viên vay tiền.
VKS có đề xuất mức án quá nghiêm khắc cho bị cáo, lúc đó bị cáo không biết ký biên bản hợp đồng tín dụng là trái quy định, và số tiền 200 tỷ là không có thiệt hại, Mong HĐXX xem xét công tâm về khoản tiền này.
Tham gia tự bào chữa cho mình tại phiên tòa, bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank cho rằng, trong quá trình điều hành ngân hàng, không tránh khỏi thiếu sót, tuy nhiên bị cáo khẳng định thiếu sót không phải là hành vi cố ý làm trái và không gây ra hậu quả, nên ko cấu thành tội.
Về hành vi, trong cáo trạng và luận tội của VKS, Navibank có chủ trương cho vay.bị cáo khăng khăng không có chủ trương cụ thể như cáo trạng nêu. Và nếu có chủ trương như vậy, thì Hội đồng tín dụng cũng không có quyền đưa ra chủ trương.
Đây chỉ là nghiệp vụ cho vay cá nhân cầm cố bằng giấy tờ có giá là hợp đồng tiền gửi. Măt khác, theo suy đoán của bị cáo, nếu có chủ trương đi gửi tiền ngân hàng khác thì cũng không có luật nào cấm như vậy.
Ngoài ra, cáo trạng quy kết bị cáo vi phạm khoản 3,4 điều 7, quy định cho vay 1627. Đây là khoản vay cầm cố bằng hợp đồng tiền gửi, tiền lãi vay chính là tiền gốc và lãi, nên các khoản vay hoàn toàn bảo đảm khả năng trả nơ.
Theo công văn hướng dẫn cho quy định 1627, có hướng dẫn cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá. Trong trường hợp này chính là hợp đồng tiền gửi tại VietinBank. Trong công văn này nêu rõ đối với khoản vay đơn giản, có thể không cần phương án vay vốn, có thể ghi ngay trên giấy đề nghị vay vốn. Như vậy, Navibank đã thực hiện đúng hướng dẫn.
Bị cáo cũng cho rằng, việc giao dịch của nhân viên Navibank tại VietinBank chi nhánh TP HCM là giao dịch hợp pháp, ký hợp đồng tiền gửi do bà Hương ký, đóng dấu thật. Navibank giao dịch với pháp nhân VietinBank, chứ không giao dịch với cá nhân nào.
Mặt khác, hợp đồng tín dụng với số tiền gửi sang VietinBank chi nhánh Nhà Bè đã được thu hồi. Còn với số tiền gửi sang VietinBank chi nhánh TP HCM, hợp đồng tín dụng không có biên bản gì.
Nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Navibank bị “sốc” khi VKS đề nghị mức án với các bị cáo
Trong quá trình bào chữa, bị cáo Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Navibank cho biết, không muốn xúc phạm ai hết, là lời từ tấm lòng bị cáo. Bị cáo đã bị “sốc” khi VKS đề nghị mức án với các bị cáo và không thừa nhận hành vi mình là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo kết luận điều tra, cơ quan điểu tra cho rằng bị cáo có 5 hành vi vi phạm. Đó là trực tiếp thoả thuận với Tuấn và Như về việc gửi tiền, đề ra chủ trương trái pháp luật. Bị cáo cho rằng mình không trao đổi thoả thuận với Như, sau khi tiếp nhận thông tin, bị cáo có báo cáo thông tin với phòng Nguồn vốn. Do đó quy kết bị cáo như vậy là cáo buộc không đúng sự thật.
Mặt khác bị cáo không thông báo chủ trương, không đề nghị ai đứng tên, chỉ truyền đạt thông tin cho nhân viên, trong đó có nội dung về nghiệp vụ cho vay bằng giấy tờ có giá là hoạt động bình thường.
Liên quan đến việc nhận 9 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng, bị cáo không hiểu sao cơ quan tố tụng chấp nhận lời khai của Huyền Như và Tuấn và lại bỏ qua lời khai của bị cáo. Xin cho bị cáo đối chấp tại toà.
Thu Hà