LG Electronics sẽ ngừng sản xuất điện thoại thông minh tại Hàn Quốc, đặt câu hỏi cho tương lai của thương hiệu này trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp và cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Trung Quốc, theo Nikkei.
Nhà sản xuất này đang có kế hoạch chuyển dây chuyền smartphone cao cấp từ một nhà máy ở Pyeongtaek, ngoại ô Seoul đến một nhà máy ở Hải Phòng nhằm cải thiện tình trạng thua lỗ.
Công suất của nhà máy dự kiến dịch chuyển sang Việt Nam là 5 triệu điện thoại/năm. Còn tại Hải Phòng, năng lực sản xuất được tính toán tăng lên mức 11 triệu chiếc/năm. LG Electronics cũng có dây chuyền tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Trong năm 2018, hãng này đã bán được khoảng 40 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu, chiếm 3% thị trường. Tuy nhiên, công ty luôn báo lỗ hoạt động vào mỗi quý trong gần 4 năm, tính đến tháng 12/2018.
Việc dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam được đánh giá là điểm mấu chốt giúp LG Electronics cải thiện tình hình. Mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Khoảng 750 nhân viên của LG Electronics tại Pyeongtaek sẽ được giao việc tại một nhà máy sản xuất gia dụng khác tại Hàn Quốc.
Công ty tái cấu trúc một mặt cũng vì sự sụt giảm của thị trường smartphone. Theo International Data Corp, doanh số mặt hàng này đã giảm năm thứ 2 liên tiếp tính đến năm 2018. Thị trường điện thoại thông minh đã đạt đến độ chín về công nghệ, các nhà sản xuất hiện khó có thể đưa ra nhiều tính năng mới.
Hàn Quốc, quê hương của Samsung Electronics, từng là trung tâm sản xuất smartphone hàng đầu. Nước này từng là nơi tạo ra 11% điện thoại thông minh cho toàn thế giới năm 2008. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khởi nguồn cũng trong năm này, buộc Samsung hay LG chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài để cắt giảm chi phí. Đến năm 2018, lượng điện thoại thông minh nước này sản xuất ra ít hơn 1%.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ. Việc sản xuất tại Việt Nam, như đã nói ở trên, giúp các doanh nghiệp Hàn cắt giảm chi phí và nhắm vào nhu cầu từ các thị trường địa phương.
LG không phải là doanh nghiệp đầu tiên ngỏ ý sẽ đưa dây chuyền vào Việt Nam trong thời gian tới. Gần cuối tháng 2/2019, Tập đoàn máy tính Lenovo của Trung Quốc cũng đã đến Bắc Ninh để tìm địa điểm cho môt nhà máy sản xuất linh kiện máy tính với sản lượng xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD.
Tập đoàn Foxconn cũng trong tháng 2 năm nay đã có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư. Tập đoàn này đã có hoạt động sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.
Việc dịch chuyển của các "gã khổng lồ" sang Việt Nam đã không còn là câu chuyện mới mẻ với những lợi thế hiển hiện như tăng trưởng cao, tình hình chính trị ổn định, nhân công giá rẻ so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cũng cảnh báo rằng lợi thế về nhân công giá rẻ - như mục đích rất rõ ràng của LG, sẽ giảm dần trong tương lai. Do đó, bài toán đặt ra cho Việt Nam trong các năm tiếp theo là phải có cơ chế thu hút FDI mới, tận dụng được sức lan toả của khối FDI với các doanh nghiệp nội địa.
Theo TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, với các tập đoàn đa quốc gia này, cần phải chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn đầu tư.
Việt Nam cũng cần phải tận dụng tối đa cơ hội của các ông lớn này, đặc biệt là nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển cả về công nghệ, lẫn kỹ năng quản lý chứ không chỉ đơn thuần là bài toán việc làm, với giá nhân công rẻ.