Chị Trần Phương Liên (ngụ quận 4) cho biết, gia đình chị đang rất bất ngờ vì hóa đơn tiền điện tháng 3/2020 đã tăng vọt so với những tháng trước.
Một số gia đình ở TPHCM có hóa đơn tiền điện cao gấp 2 lần so với những tháng trước. Ảnh: Đại Việt
“Bình thường, mỗi tháng gia đình tôi chỉ đóng hơn 900.000 đồng tiền điện nhưng tháng này nhà tôi phải đóng gần 1,8 triệu đồng. Tiền điện tăng gấp 2 lần khiến cả nhà ai cũng bất ngờ và lo lắng dù việc sử dụng điện cũng như những tháng trước”, chị Liên nói.
Chị Thu Hà (ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ, hóa đơn tiền điện tháng 3 của gia đình chị cũng tăng cao hơn so với những tháng trước khoảng 300.000 đồng.
“Trước đây, mỗi tháng nhà tôi dùng hết 1,3 triệu đồng tiền điện nhưng tháng này phải đóng 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, mọi sinh hoạt của gia đình vẫn vậy, thậm chí tôi còn ít dùng máy lạnh hơn so với trước, thật là khó hiểu”, chị Hà nói.
Nhiều người dân tại TPHCM cũng đang “tá hỏa” về việc hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng cao đột biến từ 30 – 40%. Một số gia đình còn có mức tăng gấp 2 lần so với bình thường.
Trao đổi về vấn đề nói trên, ông Bùi Trung Kiên, Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, theo quy luật hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa nắng nóng.
Nhiệt độ trung bình các tháng đều tăng cao, trong đó nhiều ngày có nhiệt độ lên đến 37 – 40 độ C. Tổng lượng điện tiêu thụ của TPHCM trong tháng 3 so với tháng 2 cũng tăng mạnh.
Tháng 3/2017 tăng khoảng 15, 6%, tháng 3/2018 tăng 22,13% và tháng 3/2019 tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, càng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của thành phố càng tăng.
Theo ông Kiên, nếu phân tích cụ thể theo mục đích sử dụng điện thì lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tăng mạnh hơn so với lượng điện tiêu thụ cho mục đích ngoài sinh hoạt. Ví dụ, năm 2019, lượng điện sinh hoạt tháng 3 và 4 tăng từ 30,69% đến 36,43% so với tháng 2.
“Rõ ràng là nắng nóng nên chúng ta sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng nên càng tốn nhiều điện hơn".
Bảng thống kê điện năng tiêu thụ mùa nắng nóng của TPHCM trong những năm qua.
"Ví dụ, chúng ta có thói quen mở máy lạnh ở mức 25 độ C. Khi nhiệt độ ngoài trời là 32 độ C thì máy lạnh sẽ tốn ít điện năng hơn so với lúc nhiệt độ ngoài trời là 37 độ C”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, nguyên nhân tiếp theo chính là kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện trong tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (sử dụng điện trong tháng 2), tương đương 6,89%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng điện năng tiêu thụ của kỳ hóa đơn này tăng nhiều hơn so với kỳ hóa đơn trước.
Ngoài ra, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng dịch ngay trong thời gian nắng nóng nên việc sử dụng điện trong sinh hoạt tăng mạnh hơn. Một số người chưa chủ động tiết kiệm điện và liên tục mở máy lạnh khi thấy nóng.
Theo Tổng công ty Điện lực TPHCM, tổng lượng điện của khách hàng sinh hoạt tháng 3/2020 tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng điện tiêu thụ của khách hàng sản xuất đã giảm 2,75% và khách hàng kinh doanh dịch vụ giảm 7,28%.
Đại diện EVN HCMC cũng khuyến nghị khách hàng, người dân cần tiết kiệm điện để tiền điện không tăng quá mức, ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
“Người dân hãy hạn chế đóng kín cửa và mở máy lạnh. Hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên. Thực hiện điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch vì ánh mặt trời có khả năng diệt khuẩn rất tốt. Sự thông thoáng cũng giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn lây bệnh nếu có”, ông Bùi Trung Kiên chia sẻ.