Tổng thống Donald Trump vừa qua đã ra lệnh cho các trợ lý xem xét quá trình tái nhập Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Năm ngoái, ông Trump đã chấm dứt thoả thuận TPP do người tiền nhiệm đàm phán vì cho rằng nó bất công với công nhân, nông dân Mỹ, đúng như cam kết lúc tranh cử. Tuy nhiên, đến nay, ông quyết định xem xét lại dù vẫn nhấn mạnh trên Twitter: chỉ tham gia TPP nếu các điều khoản tốt hơn so với trước đây.
Phân tích với Trí Thức Trẻ về động thái của Tổng thống Trump, TS. Võ Trí Thành nhận định: "Rõ ràng trong thế giới ngày nay, với sự phát triển của sản xuất kinh doanh mạng, chuỗi, các yếu tố song phương khó lòng giải quyết tốt được các vấn đề thương mại, cho dù nó cần thiết".
Việc này không mâu thuẫn với mục tiêu đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết của Tổng thống Trump. Chỉ đơn giản, ông Trump đã "ngã ngửa" với chính sách trước đây của mình đang không hiệu quả trong thương mại toàn cầu, theo TS. Thành.
"Qua xung đột với Trung Quốc, điều này càng thể hiện rõ", ông nói.
TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh bản thân 11 nước ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – tên gọi sau Mỹ rút khỏi TPP, khi xây dựng, phê chuẩn hiệp định cũng để ngỏ cơ hội để Mỹ quay trở lại.
"Tên gọi là CPTPP nhưng nội dung, nền tảng của nó vẫn là TPP", ông Thành nói và cho biết thông điệp này đã được nhấn mạnh tại APEC 2017.
Tuy nhiên, khi Mỹ quay trở lại TPP, dù muốn dù không, vị thế của quốc gia này cũng không còn như trước - tức kẻ dẫn dắt cuộc chơi.
Trước thông điệp của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã bày tỏ thái độ hoan nghệnh nhưng vẫn nghi ngờ bởi "Ông Trump là người dễ thay đổi, do đó, ông ấy có thể đưa ra một cái gì đó hoàn toàn khác biệt vào ngày hôm sau".
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đề cập tới thông tin này và cảnh báo: "Nếu Mỹ muốn thực sự muốn trở lại, đó sẽ là một quá trình hoàn toàn mới". Nước Mỹ sẽ phải trải qua những vòng đàm phán để gia nhập TPP-11.
Sau những nỗ lực của tất cả các bên, TPP-11 hay CPTPP vẫn tiếp tục đàm phán, đi tới ký kết hồi tháng 3/2018. Đa số những phần mà Mỹ từng kiên quyết đòi hỏi kể từ khi tham gia quá trình đàm phán năm 2008 đến 2017 đều bị loại bỏ.
Thông tin Mỹ muốn quay lại với TPP xuất hiện ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhiều khả năng, vấn đề này sẽ được hai nhà lãnh đạo bàn thảo trong khuôn khổ chuyến thăm.