Vào tháng 3/2007, nguyên Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đưa ra lời cảnh báo trước các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc rằng "vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc chính là sự tăng trưởng không ổn định, chưa cân bằng, thiếu nhất quán và không bền vững". Đến nay, lời cảnh báo của ông Ôn không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà thực sự đang tạo ra những thử thách không nhỏ cho chính phủ dưới thời ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đang lấn sâu vào một cuộc suy thoái kéo dài.
Những căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gần đây được giới truyền thông quan ngại và phân tích dưới nhiều khía cạnh. Và dưới bất kỳ khía cạnh nào, các tác động tới nền kinh tế Trung Quốc đều hết sức tiêu cực. Mặc dù vậy, cuộc chiến thương mại này không phải lời giải thích cho sự suy thoái liên tục của Trung Quốc vốn đã bắt đầu vài năm trở lại đây. Số liệu thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay, giảm mạnh liên tục từ mức 14% trong năm 2007. Điểm tích cực là mặc dù tăng trưởng giảm sút, thu nhập và mức sống của người dân Trung Quốc hiện nay đã nâng lên đáng kể so với năm 2007, bởi vì cơ cấu GDP mới là yếu tố quyết định chất lượng sống của người dân, chứ không phải số liệu tăng trưởng. Nhưng điểm tiêu cực là những hậu quả của các chính sách tăng trưởng nóng trong quá khứ là không thể sửa chữa.
Trở lại lịch sử, sau nhiều thập kỷ chiến tranh, sau các cuộc cách mạng do Nhà nước lãnh đạo và tài trợ nhằm ổn định chính trị và phát triển kinh tế, Đảng Cộng sản cầm quyền cũng đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể sau năm 1978. Công cụ chủ yếu giai đoạn này là việc nới lỏng sự kìm kẹp của các nhà hoạch định chính sách trung ương đối với các thành phần kinh tế tư nhân, cùng với đó là những nỗ lực hạn chế bất ổn chính trị. Cũng trong thời gian này, chính sách đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp nặng với nguồn ngân sách từ quân đội và huy động nguồn nhân công giá rẻ từ nông dân đã thúc đẩy năng suất trong nước tăng lên nhanh chóng. Nhờ đó, mức sống xã hội đã được cải thiện trông thấy.
Tuy nhiên, đến cuối thập niên 80, mặt trái của chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong vỏ bọc xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu bộc lộ. Sự bất mãn của công chúng nổi lên khi lạm phát gia tăng, đặc biệt là giá cả lương thực. Sự mơ hồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc sẵn sàng thực hiện chính sách cải cách chính trị toàn diện đã dẫn đến các cuộc biểu tình hàng loạt và bị dập tắt thô bạo sau sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6/1989. Mãi tận năm 1992, Đảng Cộng sản mới đưa ra thông điệp rõ ràng hơn về sự mở cửa kinh tế và bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng bền vững.
Gọi là cuộc cải cách, nhưng lần này không đòi hỏi bất kỳ một sự đổi mới đặc biệt nào, bởi nó hầu như được xây dựng trên nền tảng mô hình kinh tế cơ bản đã được phát triển từ thập niên trước đó. Tương tự giai đoạn trước năm 1978, Nhà nước có xu hướng huy động nguồn lực từ nông dân và công nhân trong nước để tài trợ cho sự bùng nổ đầu tư nhằm tránh nguồn tài trợ từ bên ngoài và hạn chế lạm phát bởi hoạt động đầu tư công.
Mặc dù vậy, sau đó Trung Quốc cũng đã thực hiện những chính sách tương tự Nhật Bản hay Hàn Quốc giai đoạn này, đó là xây dựng nền kinh tế khuyến khích cạnh tranh và mở cửa với các khoản đầu tư từ nước ngoài như một cách để Trung Quốc tiếp cận với công nghệ tiên tiến cũng như trình độ quản lý hiện đại. Một số đặc khu kinh tế, trong đó nổi tiếng nhất là Thâm Quyến, được tạo cơ chế mạnh mẽ trong giai đoạn này.
Vào cuối những năm 80, khoảng 65% sản lượng kinh tế của Trung Quốc được tiêu thụ cho các nhu cầu cấp thiết trong nước. Vào thời điểm diễn ra bài phát biểu của ông Ôn Gia Bảo, tỷ lệ này giảm xuống còn chưa tới một nửa. Trong khi hầu hết các quốc gia đều tiêu thụ khoảng 70 – 85% sản lượng họ sản xuất ra, Trung Quốc lại trở thành một ngoại lệ đặc biệt.
Chiến lược phát triển đẩy mạnh tiết kiệm – đầu tư có thể hoạt động tốt khi nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư đáng giá, như ở Nhật Bản những năm 1960 hoặc Trung Quốc trong thập niên 90. Tuy nhiên, chính chiến lược này đã làm Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương bởi nhiều vấn đề khác nhau. Bởi vì việc đầu tư chỉ có giá trị nếu nó tạo ra sản phẩm dịch vụ mà sau cùng phải được tiêu thụ. Trong những năm 2000, lực cầu khiêm tốn của Trung Quốc khiến cho nước này ngày càng phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới để hấp thụ khối lượng khổng lồ các sản phẩm dư thừa để chuyển đổi thành các khoản thặng dư thương mại.
Vào năm trước cuộc khủng hoảng 2008, sản lượng kinh tế của Trung Quốc vượt quá nhu cầu trong nước vào khoảng 10% GDP. Khi nhu cầu từ bên ngoài sụp đổ, Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn gia tăng các khoản đầu tư trong nước và thực hiện các cải cách mô hình kinh tế nhằm hỗ trợ cho việc dư thừa nguồn cung. Trong khi chỉ có một vài dự án hiệu quả thì nhiều dự án khác lại không. Tỷ lệ nợ so với thu nhập tăng vọt lên 120% GDP vào năm 2008, là cú sốc lớn với hiệu quả tài chính của các khoản đầu tư.
Kể từ đó, Chính phủ đã cố gắng cân bằng lại nền kinh tế Trung Quốc, hạn chế việc đầu tư quá mức và hướng tới thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình. Bước đầu tiên là thực hiện một sự cắt giảm đáng kể trong đầu tư tài sản cố định để có nguồn hỗ trợ tiêu dùng. Bằng chứng là trong khi chi tiêu vốn thường xuyên giai đoạn trước 2011 luôn tăng khoảng 25% - 30% mỗi năm, thì những con số mới nhất được công bố vài năm gần đây chỉ trong khoảng chưa tới 6%. Việc cắt giảm đầu tư có thể do chính sách tiền tệ thắt chặt, đặc biệt gần đây sự tăng trưởng tổng đầu tư giảm dần từ mức 15% năm 2016 xuống còn 13% năm 2017 và dự kiến 2018 chỉ khoảng thấp hơn 11%.
Sự suy thoái trong đầu tư đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng GDP, bởi các nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình là không đủ để bù đắp phần thiếu hụt. Đến nay, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm nội địa vẫn chỉ bằng khoảng 55% tổng sản lượng kinh tế trong nước, mặc dù đã tăng từ mức đáy năm 2007.
Lý do là cả thập kỷ ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng đã làm xuất hiện nhiều biến dạng bên trong nền kinh tế Trung Quốc mà ngày càng khó khăn để loại bỏ. Các khoản thuế lệch nhằm thúc đẩy chi tiêu tác động tiêu cực tới tầng lớp lao động nghèo, khiến họ rơi vào vòng xoáy nghèo đói kéo dài. Chính sách quản lý theo dạng hộ khẩu khiến hàng trăm triệu người di cư giữa các địa phương khác nhau trong nước không thể tiếp cận được với các phúc lợi xã hội. Người lao động chỉ được trả công chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với những gì họ sản xuất ra. Những cải cách về môi trường làm việc, cải thiện bảo hiểm sức khỏe và xóa bỏ chính sách một con là không đủ để thúc đẩy gia tăng tiêu dùng trong nước ở thời điểm hiện nay.
Tin tốt với Trung Quốc là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng chung không làm suy giảm mức sống đang ngày càng nâng cao. Ngay cả khi việc đầu tư tài sản cố định tiếp tục giảm tốc, điều quan trọng đối với hầu hết người dân Trung Quốc là sự tiêu dùng đang dần đi vào quỹ đạo. Vấn đề nguy hiểm lúc này đối với quốc gia đông dân nhất thế giới đó là, ai sẽ trả khoản nợ tích lũy trong nhiều năm qua đang trở thành quả bom nổ chậm ngăn cản Trung Quốc chi tiêu và cản trở quá trình tái cân bằng kinh tế.