Nguyễn Phi Phi Anh, Giám đốc Hãng phim Vintata được coi là "tác giả lừng danh" trong mảng nhạc kịch hiện đại với các vở diễn "Đêm hè sau cuối"; "Góc phố danh vọng"…được cả giới phê bình và công chúng đón nhận, đánh giá cao.
Nguyễn Phi Phi Anh đã du học ở Singapore 4 năm trước khi sang Mỹ vừa học vừa làm khoảng 5 năm chuyên ngành SKĐA tại Đại học Hampshire. Với tài năng và mức độ ảnh hưởng của mình, Nguyễn Phi Phi Anh đã lọt vào danh sách 20 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2016, và danh sách 30under30 đầu tiên của Forbes Việt Nam năm 2015.
Phi Anh từng chia sẻ rằng: "Tuổi trẻ, mình có sức thì dốc hết. Để đến năm 30 tuổi không nghĩ là mình đã chẳng làm được gì vào những năm 20 tuổi."
Đạo diễn Phi Anh - giám đốc Hãng phim VinTaTa
Trong cuộc thi "Tác giả lừng danh", kịch bản "Monta trong giải kỳ cục" của nhóm The Whale Hunters đã vượt qua hơn 800 tác giả để giành ngôi vị quán quân và được Hãng phim hoạt hình VinTaTa (Thuộc tập đoàn Vingroup) đưa vào sản xuất đến tập 8. Giám đốc Hãng phim – Nguyễn Phi Phi Anh cho biết bộ phim hoạt hình"made by Vintata" có thể sẽ sớm trình làng với tư duy hoàn toàn mới, phá vỡ những định kiến về phim hoạt hình Việt Nam
Chào Phi Anh! Bạn đánh giá ra sao về các thí sinh của cuộc thi Tác giả lừng danh?
Năm ngoái, chúng tôi đã phát động cuộc thi Tác giả lừng danh nhằm tìm kiếm kịch bản theo tiêu chí vừa đậm chất Việt vừa mang ngôn ngữ toàn cầu và được thể hiện bằng công nghệ hoạt hình hiện đại. Ban đầu, chỉ với 800 bản đăng ký, tôi sợ là "hơi ít", nhưng khi đọc tất cả các đăng ký, tôi mới nhận ra các ứng viên vô cùng đa dạng về lĩnh vực hoạt động và kinh nghiệm sáng tác. Ai trong họ cũng là một "tác giả lừng danh" tiềm năng và càng vào các vòng trong, càng thể hiện sức sáng tạo không giới hạn, khiến chúng tôi phải "chạy đua" để kịp làm ra các bản phim nháp cho đúng nhất với ý tưởng của họ.
Cuộc thi "Tác giả lừng danh" đã nhận hơn 800 tác phẩm dự thi với tổng giá trị giải thưởng hơn 2 tỷ đồng
Điều gì khiến bạn ấn tượng nhất về các tác phẩm dự thi?
Những cốt truyện khá mở, không bị tự giới hạn về không gian, thời gian. Phần lớn các tác phẩm này đều đưa chú khỉ Monta vào các thiên hà rộng lớn, các nhân vật có thể du hành vũ trụ, vượt thời gian, không bị gói gọn vào đời thực và giàu chất viễn tưởng. Có nhiều thí sinh cũng đưa vào những chi tiết "Việt Nam" khá trực diện như áo dài, nón lá, xe máy. Đặc biệt, những tác phẩm top đầu là những ý tưởng mà trong đó tôi thấy tính cách nhân vật có những cái hay, cái thú vị của người Việt. Ví dụ như nặng tình cảm gia đình, mối quan hệ anh-em, bà-cháu, hoặc sự đa dạng về ẩm thực, hay là mối thù với loài muỗi..
Cảm nhận của riêng bạn về nhóm thắng cuộc The Whale Hunters và dự án của họ?
"Monta trong dải ngân hà kỳ cục" có nhiều yếu tố hài hước hơn cả. Cách xây dựng nhân vật cũng rất rõ nét và đáng nhớ, ví dụ như bạn cá mập ăn chay, bạn chim gõ kiến sợ độ cao, bạn cừu không có lông nhưng lại có chiếc áo khoác lộng lẫy nhất giải Ngân hà, hay là quả chuối có thể biến thành phi thuyền. Tôi cũng ấn tượng bởi Monta được xây dựng rất đáng yêu, rất trong sáng, thông minh và tốt bụng, nhưng bằng một cách nào đó lại không hề tạo cảm giác nhàm chán và giáo điều. Những điểm mạnh nổi bật này cùng lối tư duy vượt giới hạn của nhóm The Whale Hunters đã chinh phục đa số các giám khảo để đạt ngôi vị Quán Quân.
Phi Anh không phải là con nhà nòi nghệ thuật. Cấp 2 và cấp 3 anh học ở Hà Nội - Amsterdam, sau đó đi du học Singapore từ năm lớp 10
"Monta trong dải ngân hà kỳ cục" của The Whale Hunters đang được VinTaTa hỗ trợ những gì để làm phim và đang trong quá trình nào rồi?
Thực ra ở thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thiện tập 8 dù vẫn đang chau chuốt rất nhiều trước khi ra mắt. "Monta trong dải ngân hà kỳ cục" có lẽ được chúng tôi đầu tư nhiều nhất ở hai khâu kịch bản và storyboard. Tuy ý tưởng ban đầu là của The Whale Hunters, nhưng chúng tôi đã nhờ tới một nhà biên kịch kỳ cựu từ Mỹ là anh Jeffrey Scotts, người từng viết vô số phim hoạt hình cho Disney như DuckTales (chuyện nhà anh em vịt Donald) hoặc các phim hoạt hình siêu anh hùng của Marvel. Với sự hỗ trợ của anh Jeffrey, chúng tôi hy vọng nâng tầm kịch bản, để câu chuyện của Monta trở nên hài hước theo đúng ngôn ngữ quốc tế, nhưng vẫn có những bài học sâu sắc của người Việt Nam. Phần storyboard cũng được thực hiện bởi một hoạ sĩ nổi tiếng là anh Andy Kelly.
Nhận xét của Phi Anh về tình hình phim hoạt hình của Việt Nam hiện tại?
Có vẻ như còn thiếu khá nhiều điều kiện để hoạt hình Việt Nam phát triển bền vững. Đơn cử như với hoạt hình 2D, có quá ít trường đào tạo các hoạ sĩ vẽ đúng chuẩn chuyên môn. Phần lớn họ đều phải tự học, học xong cũng hiếm cơ hội việc làm, nên càng có ít người muốn học hơn. Hay đối với hoạt hình 3D, tương tự, nước mình có không ít người tài, nhưng lại không được rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp, nên chỉ có năng khiếu kỹ thuật nhưng không phát triển được khả năng làm việc nhóm, kỹ năng trao đổi thông tin, v.v.. Đây là những điều mà chúng ta có thể học được ở nước Mỹ và nước Nhật. Ở hai quốc gia này, hoạt hình là một chuyên ngành rất khó và rất được coi trọng ở các trường đại học.
Anh quyết định sang Mỹ học làm phim, làm kịch vì niềm đam mê
Việc làm những bộ phim hoạt hình đậm chất Việt có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân Phi Anh cũng như nền điện ảnh nước nhà?
Tôi không phải người đầu tiên có cơ hội được làm những bộ phim hoạt hình đậm chất Việt, mà những đạo diễn đi trước như chú Hà Bắc, cô Phương Hoa, đều đã làm ra những bộ phim thật sự "đậm chất Việt" từ rất lâu rồi. Được là một người trẻ nối tiếp những bước chân đó, lại được nhiều điều kiện thuận lợi hơn thế hệ trước, tôi cảm thấy mình rất may mắn, tự hào, và cũng không ít áp lực.
Định hướng phát triển mà VinTaTa vạch ra trong tương lai là gì?
Chắc chắn chỉ với một dòng phim "Monta trong dải ngân hà kỳ cục" thì chưa đủ để thoả mãn thị hiếu đa dạng và thay đổi liên tục của trẻ em hiện nay. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và phát triển song song với việc sản xuất. Sẽ còn nhiều bất ngờ khác sẽ được chúng tôi công bố khi đến thời điểm phù hợp.
Cảm ơn Phi Anh về cuộc trò chuyện!