Sau gần 30 tháng kể từ ngày khởi tố, Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa xét xử vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) với 7 bị cáo là nhân sự HĐQT, lãnh đạo GPBank.
Từ ngân hàng nông thôn Ninh Bình, GPBank chuyển sang mô hình ngân hàng đô thị, đổi tên năm 2006. Tuy nhiên, Nghị định về mức vốn pháp định do Chính phủ ban hành vào cuối năm 2006 đã yêu cầu các ngân hàng phải đạt được mức vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng từ năm 2008 và 3.000 tỷ đồng từ năm 2010.
Nguyên Chủ tịch Tạ Bá Long và Phó chủ tịch Đoàn Văn An qua các công ty thuộc sở hữu đã phát hành trái phiếu cho EVNFinance để làm nguồn tiền tăng vốn “ảo”.
Sau đó, để có tiền trả nợ trái phiếu cho EVNFinance, ông Long và An đã sử dụng tiền của ngân hàng bằng cách thức lòng vòng qua công ty Thành Trung, Sao Bắc để thanh toán.
Năm 2011, Tạ Bá Long ký với con rể mình là Hoàng Công Hợp thỏa thuận GPBank mua 58% diện tích tại tòa nhà Capital Tower từ Thành Trung với giá 2.200 tỷ đồng, vượt 50% giá trị vốn điều lệ.
Thành Trung sở hữu 58% cổ phần công ty Thủ Đô - chủ sở hữu tòa nhà Capital Tower. Tuy nhiên, công ty Thủ Đô chưa chia cho diện tích sử dụng ứng với cổ phần của các cổ đông nên hợp đồng trên vô hiệu.
Tiếp đó, GPBank ký với Nguyễn Ngọc Nam – nguyên GĐ Cty Sao Bắc hợp đồng xây dựng kinh doanh dự án “Trung tâm Thương mại, văn phòng và Nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank”, chuyển 1.700 tỷ đồng cho Sao Bắc dù Sở Xây dựng Hà Nội chưa ban hành bất kỳ văn bản nào liên quan.
Tòa sơ thẩm tuyên án ngày 29/12
Phiên tòa tuyên án ngày 29/12 hôm nay, HĐXX đã xác định bị cáo Long và An là những người đưa ra chủ trương, đồng thời chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi Cố ý làm trái, dùng tiền của GPBank phục vụ công ty sân sau, công ty gia đình. Trong đó, số tiền chuyển cho bị cáo An là 2.510 tỷ đồng, còn bị cáo Long là 1.389 tỷ đồng (đã khắc phục phần lớn số tiền).
5 bị can được xác định là Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, riêng bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ bị buộc tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, HĐXX xác định bị cáo An và Long chịu mức hình phạt lần lượt là 13 năm tù và 5 năm tù.
Bốn bị cáo khác được xác định với vai trò đồng phạm giúp sức, nhận chỉ đạo của cấp trên nên hưởng mức án thấp hơn. Bị cáo Phạm Quyết Thắng (nguyên Tổng giám đốc GPBank) được tòa sơ thẩm tuyên 5 năm tù, Nghiêm Tiến Sỹ (nguyên Phó tổng giám đốc CNTT) chịu 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Ngọc Nam (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Sao Bắc) nhận án tù 5 năm.
Nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Anh Dung do là đồng phạm thứ yếu nên được hưởng án tù treo 3 năm với thời gian thử thách 5 năm.
Với bị cáo An, Long, Thắng, Nam thời gian thi hành án được tính cả thời gian tạm giam. Bị cáo Long hiện đang được tại ngoại sau một thời gian tạm giam từ 17/7/2015 đến 11/2016.
HĐXX cho biết đã ghi nhận sự thành khẩn khai báo của các bị cáo cùng các tình tiết như các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, đóng góp cho ngành ngân hàng, gia đình tham gia cách mạng. Bị cáo An và Long cùng gia đình cũng đã thế chấp tài sản để khắc phục hậu quả thiệt hại.
Quá trình xét hỏi trước đó, bị cáo An cho biết sẽ sử dụng toàn bộ tài sản trị giá 5.000 tỷ để đảm bảo khắc phục hậu quả và đã bán tài sản trả nợ cho ngân hàng được 151 tỷ đồng. Bị cáo cũng cho biết các tình tiết khác như gia đình có công với cách mạng, bản thân bị cáo là cán bộ công an ngoại tuyến của Bộ Công an hơn 10 năm... để HĐXX xem xét.
Từ phải sang, bị cáo Tạ Bá Long - Đoàn Văn An - Phạm Quyết Thắng
Bán quyền khai thác sân golf giá 255 tỷ đồng
Bị cáo Đoàn Văn An nguyên quán Hải Dương. Ngoài từng là Phó chủ tịch GPBank, ông Đoàn Văn An còn đảm nhận và được biết đến nhiều trong vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần sân golf Ngôi sao Chí Linh.
Trả lời Chủ tọa tại phiên tòa ngày 24/12, ông Đoàn Văn An cho biết bị cáo đang sở hữu cổ phần tại nhiều công ty bao gồm 75% công ty Xi măng Hà Giang, 75% công ty Sao Bắc, 80% công ty Rừng Nguyên Thanh, 11% công ty Đại học Thành Tây, 33,3% Đại Lải, 18% Thiết bị điện Hoàng Long, 100% Khách sạn 84 Ngọc Khánh. Đối với cổ phần tại Sân gofl Chí Linh, gia đình ông sở hữu 100% nhưng riêng bị cáo sở hữu 68,18%.
Những tài sản này dự kiến sẽ là nguồn để bị cáo thực hiện trách nhiệm dân sự. HĐXX đã xác định Thành Trung cần chi trả 1.334 tỷ đồng và Sao Bắc chi 1.631 tỷ đồng cho GPBank, tức chỉ chi trả nợ gốc, không tính kèm lãi như yêu cầu của ngân hàng.
"Các thỏa thuận đặt cọc là vô hiệu nên cần khôi phục về tình trạng ban đầu nên Thành Trung và Sao Bắc cần chi trả nợ gốc. Thỏa thuận lãi do đó không còn hiệu lực", HĐXX cho hay.
Một số tài sản sẽ được hủy lệnh kê biên sau phiên tòa do đã được ký thỏa thuận về nguyên tắc chuyển nhượng với đối tác.
Trong đó, Ngôi sao Hà Nội thỏa thuận các khoản vốn vốn hình thành trong tương lai đối với Công ty Ngọc Khánh Hotel và quyền khác phát sinh từ phần vốn góp này sẽ được chuyển nhượng với số tiền 30 tỷ đồng. Dự án nằm tại mảnh đất 84 Ngọc Khánh với diện tích 2.058 m2.
Công ty sân golf Ngôi sao Chí Linh sẽ bán tài sản là quyền khai thác hoạt động sân golf và máy móc phục vụ hoạt động sân golf cho công ty Đầu tư Phát triển Chí Linh với giá 225 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tòa án sẽ tiếp tục giữ lệnh kê biên với phần lớn tài sản của hai bị cáo Long và An.