Trong phần phát biểu của mình tại Diễn đàn cải cách và phát triển kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay (5/12), nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ về chiều hướng tăng trưởng kinh tế thế giới từ nay đến 2030.
Ông nói, nhìn lại mấy thập niên vừa qua, chúng ta đã chứng kiến cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng. Năm 1973, thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng dầu lửa. Đến hết năm 1980 lại một cuộc khủng hoảng nữa mà ngay như Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lúc bấy giờ - cũng chịu tác động của cuộc khủng hoảng đó. Năm 1997 diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và năm 2008 cũng vậy.
"Cứ khoảng 10 năm sẽ xảy ra một trận khủng hoảng. Vậy nhận thức đó có lặp lại trong 10 năm tiếp theo không?", nguyên Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính như 2008 vào vài ba năm tới thì không nhiều lắm. Nhưng từ nay đến 2030 có bùng phát khủng hoảng nữa không thì còn tùy thuộc rất nhiều nhân tố.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Trước nhiều diễn giả trong nước và quốc tế, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, trước mắt, khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng về tài chính – tiền tệ trong tương lai rất gần, chỉ trong vài ba năm tới không nhiều lắm. Lý do là bởi nhìn trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay thì không thấy có dấu hiệu nào cho thấy sự suy thoái, mặc dù có suy giảm.
Nhân tố thứ hai, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, sau cuộc khủng hoảng 2008, thế giới cũng đã có nhiều biện pháp để tăng cường hiện tượng có thể xảy ra và đưa tới khủng hoảng, trong đó có những củng cố về hệ thống ngân hàng, tài chính.
"Do đó, về trước mắt, nếu nói về khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính như 2008 thì không nhiều lắm. Nhưng từ nay đến 2030 có bùng phát khủng hoảng nữa không thì còn tùy thuộc rất nhiều nhân tố. Cá nhân tôi, bên cạnh cuộc cạnh tranh về thương mại thì cái đáng lo ngại hơn, đó là nếu xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ. Nếu cuộc chiến tranh bùng phát thì chưa ai nói trước được hậu quả sẽ như thế nào. Tóm gọn lại là cầu trời nó sẽ không xảy ra", ông Vũ Khoan chia sẻ tại Diễn đàn.
Liên quan đến cọ xát thương mại hiện nay trên thế giới mà có người gọi là chiến tranh thương mại, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, vấn đề đặt ra rằng đây là sự kiện tức thời hay kéo dài? Trên thế giới đã từng xảy ra chiến tranh thương mại và rồi lại qua đi.
Theo ông Vũ Khoan, cuộc chiến tranh thương mại lần này có lúc căng, lúc dịu. Hiện nay chúng ta chỉ mới chứng kiến một số dấu hiệu gọi là kế hoãn binh. Nhưng trong vài năm tới thế giới sẽ phải đối mặt với hiện tượng là sự cạnh tranh này sẽ dưới các dạng thức khác nhau.
"Sở dĩ tôi nói vậy là vì cuộc chiến tranh thương mại này không chỉ liên quan đến kinh tế thương mại mà còn liên quan đến nhiều nhân tố khác, kể cả nhân tố an ninh, chính trị…Nói rõ hơn, đây là cuộc cạnh tranh về vị thế trên thế giới mà không dễ gì thay đổi. Do đó, thời gian tới khả năng sẽ xảy ra một cục diện là trật tự kinh tế thế giới cũ không mất hẳn và cục diện trật tự kinh tế mới cũng chưa thắng thế hoàn toàn mà sẽ là cục diện kinh tế "mix" cả hai mặt, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, vừa đơn phương vừa đa phương", ông Vũ Khoan nói.
Dù sao thì các nước, trong đó có Việt Nam cũng phải đón lấy cục diện lẫn lộn như vậy. Riêng Việt Nam, cách tiếp cận tốt nhất là tiếp cận 3 trong 1. Tức là trong một cách đối phó thì có ba việc phải làm.
Thứ nhất là giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế. Vậy giảm bằng cách nào? Theo ông Vũ Khoan thì Việt Nam phải gia tăng nội lực của bản thân, tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới.
Ngoài ra, tiếp tục cùng với cộng đồng quốc tế phấn đấu mà trong đó, tự do hóa thương mại vẫn là chiều hướng chủ yếu. Ngoài ra, cũng rất cần phải thích nghi với những thay đổi.
"Bên cạnh đó, sẽ có những thách thức diễn biến thế nào và Việt Nam gặp phải những thách thức như thế nào thì Việt Nam chưa lường được", ông Vũ Khoan nói thêm.
Nguyên Phó Thủ tướng cũng cho hay, thế giới sẽ bước vào một thời kỳ mới dưới tác động của tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi đó mô hình phát triển của các quốc gia chắc chắn sẽ thay đổi sâu sắc và Việt Nam sẽ phải tiếp cận với điều này.
Từ nay đến năm 2030, thế mạnh của lao động trẻ Việt Nam sẽ bị hạn chế, tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ không còn nhiều. Lúc này, Việt Nam sẽ phải phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đây là bắt buộc phải làm.