Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 25 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bản cáo trạng cho thấy, đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984 ở Hai Bà Trưng, Hà Nội và đồng phạm đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).
Cụ thể, từ năm 2014, Nguyễn Thị Hà Thành có quen biết Nguyễn Thanh Tùng và có quan hệ làm ăn kinh tế với nhau. Từ năm 2016, để có tiền đầu tư kinh doanh, Hà Thành dùng nhiều thủ đoạn để huy động tiền từ các tổ chức, cá nhân khác nhau như: Cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng công ty Jeongho, Eurocell lập khống các bộ hồ sơ năng lực, mua bán hàng hóa, vay của Đặng Nghĩa Toàn, giữ sổ tiết kiệm của Toàn, đồng thời dùng các sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, chữ ký giả bên đảm bảo để vay vốn từ ngân hàng NCB;
Vay tiền của một số cá nhân bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng, Thành trả lãi ngoài cho khoản vay, đồng thời thỏa thuận với nhân viên ngân hàng ngoài phát hành sổ tiết kiệm theo quy định còn phát hành thêm Hợp đồng tiền gửi để đưa cho người đồng sở hữu, còn Thành sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, ký giả chữ ký của người đồng sở hữu trong bộ hồ sơ vay vốn để vay tiền từ ngân hàng tiêu xài, song các khoản nợ vay này Thành đều trả đúng hạn.
Đến khoảng đầu năm 2018, Thành làm ăn thua lỗ và nợ nần, Thành và Nguyễn Thanh Tùng bàn nhau mua dự án nhà MHD, lấy dự án để giới thiệu năng lực tài chính, vay tiền hoặc hứa hẹn hợp tác làm ăn với nhiều người….Thành thực hiện vay món sau để trả nợ món trước, tiền chiếm đoạt được Thành dùng để đáo hạn ngân hàng, trả tiền lãi vay, đầu tư vào dự án MHD và chi tiêu cá nhân.
Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ là vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên trong khoảng thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018 Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn, do đó đã nhiều lần cùng các đồng phạm thực hiện các hành vi vay, đảo nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức và cá nhân, trong đó riêng 3 ngân hàng NCB, PVcomBank, VietABank là hơn 430 tỷ đồng (NCB bị dính 4 vụ, PVcomBank 1 vụ còn lại là 21 vụ việc ở VietABank).
Đáng chú ý trong số 25 bị can bị truy tố có tới 16 cán bộ nhân viên ngân hàng làm ở các bộ phận khác nhau ở 3 ngân hàng.
Và ngoài 26 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng liên quan tới Nguyễn Thị Hà Thành, tại bản cáo trạng này, Viện kiểm sát nhân dân Tp. Hà Nội còn thông tin về vụ thứ 27 liên quan tới hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại ngân hàng NCB và VietABank.