Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển như vũ bão và sắp bước lên một bậc cao mới. Đây là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải định hướng ngay từ những ngày đầu tiên.
Khởi đầu thận trọng
Đúng như những gì ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI), chia sẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) khởi đầu thận trọng, vừa sức nhưng định hướng đa dạng rõ ràng như chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.
Năm 2016, TTCK Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập, với ngày truyền thống là 28/11. Đây cũng chính là ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (28/11/1996). Gần 4 năm sau đó, thị trường đi vào hoạt động với 2 công ty niêm yết đầu tiên là REE và SAM và 4 công ty chứng khoán (CTCK), trong đó có SSI của ông Nguyễn Duy Hưng.
Trong các năm tiếp theo, số lượng doanh nghiệp lên sàn khá khiêm tốn, với những cái tên như Gemadept (GMD), Khahomex (KHA), Transimex (TMS), Hapaco (HAP),... Bắt đầu từ 2006, Vinamilk (VNM), một doanh nghiệp lớn thuộc dạng doanh nghiệp Nhà nước, được cổ phần hóa lên sàn đã giúp quy mô thị trường tăng lên nhanh chóng.
Sở dĩ TTCK phát triển khá thận trọng trong 10 năm đầu tiên là bởi khi ấy, ngay cả khái niệm chứng khoán còn quá mới mẻ với hầu hết mọi người, quy mô nền kinh tế Việt Nam khá nhỏ bé, độ mở của nền kinh tế thấp, nhận thức về nền kinh tế thị trường còn hạn hẹp,...
Ở vào thời điểm đó, khái niệm cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán, trái phiếu, cổ tức, trái tức, IPO hay T+ còn rất mới.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của TTCK thì đã được các nhà lãnh đạo, nhà quản lý nhận thức rõ ràng. Khi đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thấy được vai trò TTCK là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế và là điều chắc chắn phải làm. Một nền kinh tế muốn phát triển thì không thể chỉ vào vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng.
Tất nhiên, việc xây dựng TTCK ở vào thời điểm cách đây 20 năm không hề dễ dàng và phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chậm chắc không để đổ vỡ và vì khi đó còn có nhiều quan điểm khác nhau về TTCK. Nhưng nếu không có thị trường năm 2000 thì chắc chắn sẽ không có thị trường hôm nay.
Bệ phóng cho nền kinh tế
Thực tế cũng cho thấy, trong 20 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam trải qua 2 cuộc khủng hoảng lớn của thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng ở quy mô toàn cầu 2007-2008, vùi dập TTCK Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới.
Nhưng quan trọng hơn, vào thời điểm bấy giờ, tư duy của các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, rất đúng đắn về vai trò của doanh nghiệp tư nhân đối với thị trường và sự cần thiết của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để cung cấp hàng hóa xây dựng được một thị trường có quy mô lớn và trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Sự xuất hiện của một CTCK tư nhân như SSI của ông Nguyễn Duy Hưng rõ ràng là một sự đột phá. Nó cho thấy rõ quan điểm “để các thành phần kinh tế cùng tham gia” xây dựng TTCK.
Tới thời điểm này, SSI là một CTCK hàng đầu trên thị trường và có đóng góp lớn cho sự phát triển chung của TTCK. Doanh nghiệp này giới thiệu, quảng bá và thu hút các tổ chức đầu tư nước ngoài đến với TTCK Việt Nam và cũng là công ty có thị phần môi giới hàng đầu.
Trong vài năm gần đây, một lần nữa cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước lại được các nhà lãnh đạo Nhà nước hiện tại kiên quyết thực hiện và thực hiện một cách mạnh mẽ để giúp TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung bứt phá đi lên.
Đây cũng là thời điểm mà TTCK có quy mô vốn hóa tăng vọt lên mức cao kỷ lục: hơn 130 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, 5 tỷ phú USD người Việt đã xuất hiện và trên thị trường xuất hiện những phiên giao dịch nửa tỷ USD.
Hàng loạt thương vụ cổ phần hóa đã mang lại rất nhiều hàng hóa cho TTCK trong thời gian như các trường hợp Sabeco, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Vietnam Airlines, ACV,...
Năm 2017, TTCK được xem “như một giấc mơ”, tăng trưởng theo cách không ngờ tới và theo ông Nguyễn Duy Hưng trong những năm sau nữa, việc nâng hạng của MSCI sẽ là động lực thúc đẩy thị trường.
Rất nhiều nhận định và dự báo gần đây đều cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2018, vượt trội so với nhiều thị trường mới nổi. Theo quỹ đầu tư Thụy Điển Tundra Sustainable Frontier Fund, TTCK Việt Nam hiện rất hấp dẫn về dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.
Ông Trần Thanh Tân, TGĐ Công ty Quản lý quỹ VFM, thì khẳng định, sau Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng cuối năm 2017, thế giới đã nhìn thấy một Việt Nam đổi mới. Nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Và nhiều doanh nghiệp niêm yết trên TTCK có kết quả kinh doanh rất tuyệt vời. TTCK Việt Nam đang phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mọi thứ đang ủng hộ TTCK.
Với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, việc xây dựng một TTCK là tất yếu và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân luôn được quan tâm hàng đầu. Nhưng quan trọng hơn, đó là hệ thống pháp luật để nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội. Đây là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển. Giai đoạn ông làm thủ tướng, Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như TTCK ra đời năm 2000, quá trình chuẩn bị cho việc gia nhập WTO là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.
M. Hà