Cố Thủ tướng Phan Văn Khải không phê duyệt đầu tư BOT (Ảnh: IT)
Thưa PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, là người có tới 40 năm họat động trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế, ông có ấn tượng gì nhất ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?
- Có thể nói, tôi có rất nhiều ấn tượng với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông là người học bài bản ở Liên Xô ở thời kỳ đó và sau này cũng trải qua nhiều chức vụ khác nhau nên có cả lý luận và thực tiễn rất sâu sắc. Bản thân tôi đã có 40 năm nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán nên khi nói tới cố Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi rất ấn tượng với việc kiềm chế của ông trong vay nợ nước ngoài. Có thể thấy, thời kỳ ông Phan Văn Khải đang giữ cương vị Thủ tướng, vay nợ của Việt Nam rất thấp, nếu phải vay vốn từ nước ngoài thì ông cũng cố gắng vay được các gói ODA với giá rẻ.
"Từ hơn 20 năm trước, khi cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn đang là Phó Thủ tướng, có một số nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt vấn đề đầu tư vào Quốc lộ 5 theo hình thức BOT. Tuy nhiên, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhận định là không phù hợp vì khi đó nhà nước vừa bỏ tiền ra tu sửa nên phải để nhân dân tự do sử dụng. Còn các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể lựa chọn đầu tư BOT vào một con đường mới hoàn toàn chứ không phải dựa trên con đường đã có sẵn", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết. |
Ngoài ra, thời kỳ đó nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng dứt khoát không phê duyệt hình thức đầu tư vào xây dựng các trục đường chính, trục đường huyết mạnh đã có sẵn mà Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư. Ông không đồng ý cho các nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư nâng cấp theo hình thức hợp tác công tư (BOT) trên các tuyến đường ấy. Ngay như dự án Quốc lộ 5 khi đó nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lúc còn là Phó Thủ tướng chính là người kiên quyết phản đối khi có nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề đầu tư. Chỉ sau này, ông về hưu thì các dự án BOT mới phát triển mạnh, trong đó nhiều dự án đã khiến cho người dân bức xúc như BOT Cai Lậy.
- Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng được coi là người có đóng góp rất lớn, thưa ông?
Đúng vậy. Thời điểm đó, dù nhiều người hiểu về bản chất của kinh tế tư nhân rất mù mờ nhưng ông lại có tầm nhìn sâu rộng, bao quát và hiểu rất rõ nên đã có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân một cách chuẩn xác. Cũng ở thời điểm này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người có công lớn trong việc xây dựng Luật doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, ông cũng là người có công lớn trong việc thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Ở thời điểm đó, vẫn có quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán là đặc thù của chủ nghĩa tư bản nhưng với tầm nhìn sâu rộng, ông đã có những quyết sách chính xác, kịp thời góp phần cho sự ra đời của thị trường chứng khoán vào năm 2000 và cho đến nay thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp với hàng tỷ USD.
Mặc dù được cho là thời kỳ khó khăn nhưng ông có nhận định như thế nào về nền kinh tế của Việt Nam thời điều hành của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?
- Có thể khẳng định cho tới nay thì thời kỳ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn được đánh giá không chỉ kinh tế tăng trưởng nhanh mà còn ổn định và bền vững trong suốt một thời gian dài.
Tôi còn nhớ, vào những năm 1997 cũng là thời điểm kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á nhưng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong suốt 9 năm ở cương vị Thủ tướng đã điều hành linh hoạt để duy trì phát triển kinh tế vĩ mô bền vững với nhiều năm liền có mức tăng trưởng trên 7%. Lạm phát cũng được kiểm soát ở mức thấp, đặc biệt là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn chú trọng tới vấn đề kiểm soát nợ công.
Ngoài những đóng góp cho kinh tế, ông có bình luận gì về vai trò của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khai đối với vấn đề hội nhập của Việt Nam?
- Có thể nói, cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người “mở đường” cho hội nhập của Việt Nam sâu rộng với các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là với Mỹ, thời kỳ đó chúng ta vẫn đang là nước bị Mỹ cấm vận nên việc chính thức sang thăm Mỹ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1993 đã góp phần thúc đẩy chính quyền Mỹ tiến tới bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và bình thường hóa quan hệ năm 1995. Từ đó cũng mở ra hàng loạt các hợp tác không chỉ giữa doanh nghiệp của Mỹ với Việt Nam mà còn mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với nhiều nước khác trên thế giới sau này.
Tuy nhiên, dù nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất hiểu rõ tầm quan trọng của hội nhập và đi tiên phong trong việc “mở cửa” nhưng không phải hội nhập bằng mọi giá, điển hình như việc kiên quyết không phê duyệt đầu tư xây dựng BOT và kiểm soát chặt chi tiêu, không để vay nợ nước ngoài tăng cao thời bấy giờ.
Trân trọng cảm ơn ông!