Theo dõi số liệu bán hàng điện thoại qua thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam trong tháng 2/2020, lượng hàng bán ra của tất cả các phân khúc giá bằng 60 – 70% của tháng 1 được đánh giá là hợp lý vì tháng 1 là mùa bán Tết âm lịch. Nhưng bước sang tháng 3, theo thông tin tự thu thập từ nhiều chuỗi bán lẻ lớn nhỏ khác nhau, sức bán giảm mạnh, ước tính bằng 50% của tháng 2. Có nhiều cửa hàng, cả ngày chỉ bán được một vài máy giá trị thấp!
Giảm sâu đến 70%!
Theo lời ông Minh Tuấn, chủ chuỗi Minh Tuấn Mobile, sức mua nhóm hàng điện thoại ngày càng giảm dần. “Từ giữa tháng 2 đã có dấu hiệu sức mua giảm, nhưng giảm thấy rõ nhất kể từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 2. Từ đầu tháng 3 trở về sau này, doanh thu giảm từng ngày. Đến nay, mức giảm đã lên tới 70%”, ông Tuấn chia sẻ. Theo lời của ông chủ này, trong hai tuần cuối tháng 3, mỗi ngày chỉ bán được 1 – 2 máy, chủ yếu là những dòng máy có giá trị thấp, còn lại là phụ kiện.
Lớn như FPT Shop, nhỏ như Duy Anh..., tất cả đều vắng khách. Ảnh: Song Minh
Từ đầu tháng 3, ông Huỳnh Hải, chủ của chuỗi 24hstore.vn đã cho biết sức mua giảm 40 – 50% so với hồi tháng 2. “Chúng tôi đã làm nhiều cách như bán hàng trên các trang thương mại điện tử lớn như: Shopee, Tiki, Facebook… mà doanh thu không thể nào tăng được. Càng ngày càng giảm. Vừa lo dịch bệnh, vừa lo bán hàng. Nhiều đêm không ngủ được”, ông Hải than thở.
Với 6 cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn của TP.HCM như Saigon Centre, Vincom Center Landmark, đường Võ Thị Sáu (Q.3)… cùng với nhóm khách hàng ruột giàu có, vậy mà ông Mai Triều Nguyên, giám đốc chuỗi Mai Nguyên cũng “than như bộng”. “Tháng 3 hằng năm là thời thấp điểm của nhóm hàng điện thoại, âm thanh… nhưng chưa bao giờ sức mua thảm hại như năm nay. Tại chuỗi Mai Nguyên, tháng 3 năm con chuột (2020) thấp hơn 30% so với tháng 3 năm con heo (2019)”, ông Nguyên nói.
Từ khi sức mua giảm sâu, theo lời ông Nguyên, công ty đã làm đơn xin các trung tâm giảm tiền thuê mặt bằng nhưng đến nay, câu trả lời nhận được từ các trung tâm thương mại là… chờ họp, còn các chủ mặt bằng tư nhân lại từ chối giảm vì “giá thuê tốt lắm rồi nên không thể giảm được nữa”.
Theo ông Nguyên, những hệ thống nào chỉ bán hàng tại TP.HCM hoặc Hà Nội sẽ rất khó khăn vì đây là những vùng dịch lớn, khách hàng hoang mang trước diễn tiến dịch bệnh nên chẳng còn thiết tha tới việc mua sắm.
“Vài năm trước, khi các chuỗi bán lẻ lớn bành trướng, nhiều cửa hàng nhỏ đã vắng khách nhưng đến lúc này mới thấm. Bạn bè đã có nhiều cửa hàng trả mặt bằng vì lợi nhuận không thể gánh nổi tiền thuê mặt bằng, nói gì đến lương cho nhân viên. Những cửa hàng còn lại vì đó là nhà của họ, lấy công làm lời”, chủ một cửa hàng trên đường Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) bình luận.
Đi ngang là “mừng hết lớn”!
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch hội đồng quản trị của FPT Retail nhận xét như vậy về doanh thu của chuỗi bán lẻ FPT Shop trong hai tháng 2 và 3 của năm 2020. Dù không tiết lộ mức giảm của hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM nhưng bà Điệp xác nhận,“doanh thu của hai thị trường này có giảm” nhưng nhờ những thị trường còn lại, đặc biệt là mức tăng trưởng của mặt hàng laptop (doanh thu mặt hàng laptop của tháng 2 tăng 90% so với tháng 1/2020 và hơn 60% so với tháng 2/2019) đã bù lại mức sụt giảm của ngành hàng smartphone.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc của FPT Retail chia sẻ thêm: “Từ khi công bố dịch, nhóm smartphone bán chạy nhất là phân khúc từ 3 – 7 triệu đồng nên doanh thu không cao. Trong khi đó, mặt hàng laptop dù có số lượng ít nhưng giá trị từ 10 – 16 triệu đồng/ máy nên doanh thu… đi ngang như cùng kỳ năm ngoái là mừng hết lớn”.
Một siêu thị lớn của Điện máy Xanh trên đường Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM) cũng vắng khách vào ngày cuối tuần trước khi tạm đóng cửa. Ảnh: Song Minh
Ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng viễn thông của Thế giới Di động xác nhận với Dân Việt, trong hai tháng 2 và 3/2020, doanh thu ngành hàng smartphone của chuỗi tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đã giảm chừng từ 5 – 10% nhưng doanh thu của phần còn lại không chỉ bù đắp mà còn làm doanh thu của ngành hàng này “tăng nhẹ”!
Ông Tuyên cho rằng: “Dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhưng nếu không có những tác động xấu “hùa vào” như hạn khô ở miền Trung và cao nguyên, hạn mặn ở miền Tây, doanh thu của mặt hàng smartphone sẽ tăng hơn cùng kỳ những năm trước vì… nhu cầu sử dụng smartphone của nhóm học trò – sinh viên tăng mạnh khi được nghỉ học từ sau Tết Nguyên đán đến nay”!
Ông Tuyên còn cho rằng, việc các chuỗi bán lẻ lớn gia tăng hiện diện tại nhiều ngóc ngách phố thị và các tỉnh đã thu hút được khách hàng đang có xu hướng tìm đến những chuỗi bán lẻ có độ ổn định cao. Nếu VinPro, Viễn Thông A… còn mở cửa, chắc Thế giới Di động, FPT Shop cũng sẽ đối mặt với “tăng trưởng… âm!”.
Nhưng câu chuyện của nhà bán lẻ điện thoại chưa dừng lại ở đó. Vì thuộc nhóm dịch vụ không thiết yếu nên các nhà bán lẻ điện thoại sẽ phải tạm đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ từ 0g hôm nay, 28/3 trong vòng 1 hay hai tuần, tùy theo diễn tiến của dịch Covid-19. Đã khó, giờ phải khó thêm...