Thẳng thắn nhìn nhận, thực tiễn quản trị ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ không ít những hạn chế, mà nếu không khẩn trương khắc phục thì các NHTM Việt Nam sẽ rất khó khăn khi cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là về kiểm soát nội bộ (KSNB). Để lấp đầy các “lỗ hổng” trong KSNB tại các NHTM, NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống KSNB của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có đánh giá nội bộ mức đủ vốn ICAAP thực hiện trụ cột 2 của Basel II. Thông tư 13 đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel II về bảo đảm an toàn trong hoạt động, thúc đẩy các ngân hàng phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu...
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo một NHTM cho rằng, Thông tư 13 thật sự đã thay đổi lớn về hệ thống kiểm soát của NHTM (trước khi có Thông tư 13, các nhà băng đang thực hiện quy định KSNB và KSNB theo Thông tư số 44/2011/TT-NHNN). Đơn cử như với yêu cầu KSNB, ở Thông tư 44, quy định về yêu cầu hầu như chỉ mang tính tổng hợp, còn tại Thông tư 13 đặt ra yêu cầu đối với hệ thống KSNB; lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hệ thống KSNB; báo cáo NHNN về hệ thống KSNB. Ông Nirukt Sapru - Chủ tịch Nhóm Công tác ngân hàng kiêm Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam cũng hoan nghênh NHNN đã đưa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vào yêu cầu trong hệ thống KSNB của ngân hàng tại Thông tư 13.
Nội dung giám sát quản lý cấp cao, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn cũng vừa mới được quy định ở Thông tư 13, Thông tư 44 không có các quy định này. Hiện nay, các ngân hàng lớn đang ngày càng coi trọng sự tham gia sâu hơn của HĐQT và lãnh đạo cấp cao trong quá trình chạy stress test (phương thức tiếp cận và quy trình/giám sát và báo cáo) và quản lý vốn. “Một lưu ý là không phải chỉ cần đưa ra được chính sách, mà quan trọng là quy trình cụ thể. Và lãnh đạo cấp cao phải cân nhắc ra sao trước khi đưa ra những quyết định quan trọng”, chuyên gia của Shinhan Bank chia sẻ.
Về KSNB, bên cạnh những nguyên tắc về KSNB nói chung thì Thông tư 13 còn chỉ rõ nội dung KSNB đối với hoạt động cấp tín dụng và giao dịch tự doanh tại NHTM. Đồng thời chỉ ra các bộ phận tuân thủ, cơ chế trao đổi thông tin và đặc biệt quy định rõ ràng về hệ thống thông tin quản lý nhằm hạn chế rủi ro thông tin, một chuyên gia cho hay.
Để có thể quản trị một cách hiệu quả, yêu cầu của thông tư đặt ra đối với các TCTD là phải có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả của hệ thống KSNB, do đó sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ cho ngân hàng. Theo chuyên gia: Các yêu cầu quy định ngày càng chặt chẽ và rủi ro có mức độ phức tạp ngày một gia tăng, nên các ngân hàng phải chấp nhận thực hiện những khoản đầu tư lớn vào các mảng ICAAP, bởi đây không dừng lại ở hoạt động mang tính tuân thủ, mà nhà băng luôn phải cải thiện thường xuyên để vốn của mình luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, đó là điều cần thiết để nâng cao trình độ quản trị của các nhà băng.
Theo TS. Lương Thái Bảo (ĐH Kinh tế Quốc dân), cần hiểu rằng với chi phí tuân thủ, các ngân hàng khác nhau sẽ có mức chi phí phát sinh khác nhau tùy thuộc vào quy mô, tính chất sở hữu, năng lực quản trị, chiến lược cũng như quy trình áp dụng chuẩn mực của Basel. Trong quá trình thực hiện áp dụng Basel theo yêu cầu của cơ quan quản lý, các nhà băng chắc chắn cũng sẽ phải chịu các chi phí biến đổi khác nhau. Vị chuyên gia này cho rằng, vai trò tương tác giữa cơ chế giám sát, quản trị ngân hàng trong mối liên hệ với cung cấp thông tin cho thị trường là vô cùng quan trọng. Vấn đề còn lại là mỗi ngân hàng sẽ nhìn nhận và hành động như thế nào trong các mối liên hệ này để đạt mục tiêu quản trị và kinh doanh của mình.
Trên thực tế, các ngân hàng ngày càng có những động thái khẩn trương hơn trong việc chuẩn bị để triển khai hệ thống KSNB theo thông lệ quốc tế. Mới đây, Vietcombank đã tổ chức khai giảng khóa “Đào tạo nghiệp vụ kiểm tra KSNB Vietcombank năm 2018” nhằm trang bị những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm kiểm tra kiểm soát về các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của ngân hàng như: hệ thống hóa và cập nhật chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định nội bộ của ngân hàng theo từng mảng nghiệp vụ chính... Hay như VietinBank, chương trình Sysmon (giám sát nội bộ) được đưa vào sử dụng đã phát huy những hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào đổi mới công tác giám sát nội bộ, hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.