Khi Ả Rập Xê Út đang nỗi lực đẩy lùi áp lực từ phía quốc tế rằng quốc gia này có liên quan mật thiết đến vụ mất tích của một nhà báo nổi tiếng, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thị trường giá dầu.
Mối quan hệ giữa tiểu vương quốc này và một số bộ phận của cộng đồng quốc tế đã xấu đi một cách nhanh chóng sau khi Jaml Khashoggi, một nhà báo cư trú tại Mỹ, mất tích sau chuyến thăm đến lãnh sứ quán Ả Rập tại Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào đầu tháng này.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhà báo của tờ Washington Post và nhà phê phán chính sách của chính quyền Ả Rập đã bị giết một cách có chủ ý ngay trong toà nhà và thi thể đã bị đưa ra khỏi khu vực đó. Tuy nhiên, Riyadh đã bác bỏ các tuyên bố trên.
Hôm Chủ Nhật, thị trường chứng khoán Ả Rập đã chứng kiến tình trạng lao dốc và các nhà phân tích tin rằng giá dầu sẽ là "nạn nhân" tiếp theo.
Robert Carnell, kinh tế gia trưởng tại ING, cho biết vụ việc "tạo ra rất nhiều rủi ro mới". Ông nói: "Bất kì động thái trả thù nào từ phía Ả Rập có lẽ sẽ được "cài cắm" qua việc giảm cung cấp dầu và đẩy mức giá lên cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường."
Trong phiên giao dịch chiều nay tại thị trường chứng khoán châu Á, giá dầu đã tăng. Giá dầu thô Brent tăng 1,29% lên 81,47 USD/thùng và hợp đồng tương lai của dầu thô tăng 1,14% lên 72,15 USD/thùng.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ có "biện pháp trừng trị nghiêm ngặt" đối với Ả Rập nếu đúng là Khashoggi đã bị giết trong toà nhà lãnh sự quán. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông sau đó 1 ngày nói rằng họ sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt kinh tế được các quốc gia khác đưa ra bởi vụ việc này, hãng tin SPA đưa tin.
Michael Heise, kinh tế gia trưởng tại Allianz, cho biết rằng giá dầu thực sự có thể sử dụng làm một công cụ để trả đũa của Riyadh.
Ông nói thêm: "Họ có thể cân nhắc về việc đó, tuỳ thuộc vào mức độ căng thẳng của hình phạt, ví dụ như Mỹ thì có thể thực hiện việc này. Điều đó có thể dẫn đến việc sử dụng dầu như một loại vũ khí. Tôi không quá lạc quan về vấn đề này". Heise cho hay: "Nếu giá dầu tiếp tục bị ảnh hưởng và leo thang thì sẽ có tác động rất lớn thị trường, cùng các thị trường mới nổi ở châu Á - là các quốc gia nhập khẩu ròng dầu thô. Tôi nghĩ đó là "kênh truyền dẫn" quan trọng nhất trong cuộc khủng hoảng này."
Vụ việc này đang tạo ra áp lực khiến giá dầu tăng mạnh. Nguồn cung sẽ giảm sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực vào tháng tới. Chính quyền Trump đã phải phụ thuộc vào Ả Rập - một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới - để duy trì nguồn cung và kiểm soát việc tăng giá. Đây có thể sẽ trở thành một câu hỏi hóc búa với ông Trump trong trường hợp tình hình còn xấu hơn nữa khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sắp diễn ra.