Đến thời điểm hiện nay, nhà báo không còn độc quyền cung cấp và phân phối thông tin nữa khi mạng xã hội đã trở thành một môi trường cung cấp và tương tác thông tin rất nhanh. Câu hỏi là làm sao tỉnh táo trước những thông tin giả, điều này đòi hỏi ở nhà báo, tòa soạn báo một quy trình thẩm định chuyên nghiệp, để có thể đưa đến cho độc giả những thông tin xác tín.
Theo website chuyên nghiên cứu về thị trường We Are Social có trụ sở tại Singapore (http://www.wearesocial.sg), tính đến tháng 1/2018, tổng số người dùng Internet tại Việt Nam là 64 triệu người (trên dân số 93,7 triệu người), tăng 13,05 triệu người hay khoảng 27,5% so với cùng thời điểm 2017.
Con số này cũng của We Are Social hồi tháng 3/2015 là khoảng 41 triệu người (chiếm 45% dân số); trong đó có khoảng 30 triệu người dùng các mạng xã hội và số người dùng các mạng này trên di động ước 26 triệu người.
Mạng xã hội và tác động tới người dùng
Theo thống kê chưa đầy đủ, người Việt Nam tốn tới hơn 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng đối với người dùng máy tính, và gần 3 tiếng với người dùng các thiết bị di động. Trung bình một người Việt Nam truy cập vào các trang mạng xã hội trong ngày 2 giờ đồng hồ.
Trong số người truy cập vào các trang mạng xã hội, có người chỉ để tìm kiếm, bổ sung các thông tin đang được cập nhật từng giờ, từng phút thậm chí là từng giây trên mạng xã hội, một lợi thế khó có một tờ báo nào có thể có được, kể cả báo mạng.
Cũng có người lên mạng xã hội để viết, để chia sẻ những thông tin mà mình, bằng cách này cách khác, nguồn này nguồn khác, có được đến với bạn bè trên cộng đồng mạng.
"Tôi vừa thấy một đám cháy xuất phát tại địa chỉ... Tôi vô tình đi ngang qua và muốn chia sẻ thông tin cho những ai quan tâm..."; "Có một vụ đụng xe kinh hoàng vừa xảy ra tức thì trên xa lộ đoạn gần ngã tư...",...
Một ví dụ điển hình nhất là vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại cao ốc chung cư Carina Plaza ở quận 8, Tp.HCM vào rạng sáng ngày 26/3/2018 vừa qua mà người viết bài này đã theo dõi toàn bộ diễn biến quá trình từ lúc phát hỏa, cứu nạn cứu hộ đến lúc xử lý, khắc phục sự cố, khởi tố vụ án gây cháy, khởi tố bị can...
Thông tin đầu tiên mà người viết nhận được là từ một tin nhắn trên mạng xã hội Facebook của một người bạn là một nữ luật sư: "Tôi đang ở tầng 4 chung cư Carina Plaza, nơi đây đang hỏa hoạn. Chúng tôi đang chờ lực lượng cứu hộ đến. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi".
Cả làng báo Tp.HCM rạng sáng đêm ấy nháo nhào cả lên. Vụ cháy gây tổn thất quá lớn về nhân mạng và tài sản lại được phát đi bởi một thông điệp trên mạng xã hội.
Những mẩu tin ngắn ngủi được viết vội trên một status (dòng trạng thái) trên một mạng xã hội thông dụng như vậy, không khó để tìm đọc, và dĩ nhiên ngay lập tức chúng gây sự chú ý cho nhiều người, ảo cũng như thật, trong số đó có không ít các phóng viên đã nhanh chân xác minh địa điểm mà một ai đó vừa loan tin.
Và chỉ ít phút sau, các thông tin chính thức về một vụ đụng xe, về một vụ hỏa hoạn đã... tràn ngập trên các báo mạng. Chính những "nhà báo công dân" đã góp phần không nhỏ cho sự nhanh nhạy của báo chí chính thống.
Nhà báo với mạng xã hội
Ngày nay, đa phần các nhà báo (kể cả phóng viên tòa soạn và nhà báo tự do) đều có ít nhất một tài khoản trên một mạng xã hội. Và có thể nói là, ít nhất một lần các "nhà báo chính thống" đã khai thác thông tin, viết bài cung cấp cho độc giả từ một nguồn tin từ mạng xã hội, của đồng nghiệp hay của các "nhà báo công dân".
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, người làm báo có thái độ như thế nào đối với các thông tin tiếp nhận được từ mạng xã hội, hay từ những "nhà báo công dân"?
Một chuyên gia về báo chí tại châu Âu, bà Annelie Ewers, Giám đốc Học viện Đào tạo báo chí nâng cao Thụy Điển cho rằng, sự phát triển nhanh của công nghệ chỉ là phương tiện cho mạng xã hội, còn báo chí phải có trách nhiệm cung cấp nội dung đáng tin cậy cho mạng xã hội.
"Thông tin trên mạng nhanh nhưng không bảo đảm chính xác và nhiều chiều. Nhà báo sử dụng thông tin trên mạng phải kiểm chứng nguồn tin, bảo vệ sự thật và lôi cuốn công dân vào quá trình làm tin, thậm chí làm điều tra", bà Annelie nói.
Không ít trường hợp "dở khóc dở cười", khi một nhà báo vì "quá nhanh nhẹn" và nhiệt thành, đã chưa kịp kiểm chứng thông tin trên một mạng xã hội vừa đọc được nên "bê nguyên xi" lên báo (báo mạng) nhà mình.
Người chịu trách nhiệm duyệt đăng bài của tòa soạn, vì áp lực thông tin và thời hiệu thông tin, cũng chưa kịp "đối chất" với phóng viên, đã vội vàng... cho chạy bài. Đến khi lỡ chuyện, thì là... tin vịt! Độc giả rối lên vì chẳng biết tin vào ai, tin chỗ nào...
Tác động qua lại, cạnh tranh, tương tác và tận dụng lẫn nhau là những đặc tính chủ yếu trong mối quan hệ tác động giữa báo chí và mạng xã hội. Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt, nhà báo càng cần phải năng động hơn, tỉnh táo, nhạy bén hơn trong việc cung cấp thông tin cho độc giả, đặc biệt là khâu thẩm định thông tin.
Có một danh nhân đã nói: "Khi một phần trăm là sự giả dối, 99% chân lý sẽ bị nghi ngờ".