Với tỷ lệ tăng trưởng nhanh và tốc độ gia tăng dân số cao, Nhà Bè hội tụ nhiều điều kiện sẵn sàng lên quận. Thị trường BĐS khu Nam cũng “nóng” dần từ địa phận huyện lan đến những nơi giáp ranh.
Hạ tầng “khủng” chắp cánh cho cả khu Nam
Theo Quyết định 6015/QĐ-UBND về quy hoạch xây dựng huyện Nhà Bè, đến năm 2020, huyện có diện tích hơn 10.055ha, dân số khoảng 540.000 người, đến nay cả huyện chỉ còn ít hộ dân làm nông nghiệp. Các chuyên gia đánh giá, huyện Nhà Bè đầy triển vọng trở thành 1 trong 5 huyện ngoại thành đầu tiên lên quận.
Với tỷ lệ tăng trưởng nhanh và tốc độ gia tăng dân số cao, Nhà Bè hội tụ nhiều điều kiện sẵn sàng lên quận |
Huyện Nhà Bè với trục đường Nguyễn Hữu Thọ tiếp nối đường Nguyễn Văn Tạo, kéo dài đến xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) được mệnh danh là “con đường tỉ đô”, tập trung không dưới 40 dự án BĐS lớn.
Tốc độ đô thị hóa của huyện Nhà Bè đang bứt phá thông qua các dự án hạ tầng giao thông. Hiện hầm chui kết hợp cầu vượt Nguyễn Văn Linh đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng sau khoảng 6 tháng khởi công. Theo quy hoạch, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nối đường Nguyễn Văn Tạo kéo dài đi Cần Giuộc cũng được mở rộng lên đến 60m, 6 - 8 làn xe, hiện đã được thành phố bàn giao Ban quản lý khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng, rút ngắn thời gian vào trung tâm thành phố.
Đặc biệt, tuyến metro số 4 hiện đã “chốt” quy hoạch: từ phường Thạnh Xuân (quận 12) chạy về Hồ Con Rùa (quận 3) - chợ Bến Thành (quận 1) rồi men theo đường Hoàng Diệu (quận 4) - Nguyễn Thị Thập (quận 7) nối vào đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cuối cùng kết thúc ở depot đặt tại Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dự án có tổng vốn đầu tư 4,57 tỉ USD với tổng chiều dài 36,2km (19,9km đi trên cao và 16,3km đi ngầm). Hiện dự án đã lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ cắm mốc giới và bàn giao cho địa phương để quản lý quy hoạch. Ban Quản lý đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.
BĐS tăng giá theo đà lên quận
Tốc độ đô thị hóa nhanh của huyện Nhà Bè là “thỏi nam châm” hút nhiều nhà đầu tư. Các chuyên gia BĐS cho biết, cách đây 2 năm, giá đất dự án dọc đường Nguyễn Hữu Thọ dao động chỉ từ 5 - 7 tỉ đồng/nền (90m2), thì nay trên dưới 10 tỉ đồng/nền.
Ở khu vực đường Nguyễn Văn Tạo (xã Long Thới) hiện giá cũng tăng gấp đôi sau 2 năm, với giá khoảng 60 triệu đồng/m2, đất vườn khoảng 7 - 8 triệu đồng/m2. Khu vực xã Hiệp Phước trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Thậm chí, ở huyện Cần Giuộc (Long An) giáp kề, nhiều nhà đầu tư “săn” đất chờ đón tuyến metro và đường Nguyễn Văn Tạo mở rộng, khiến giá đất nhảy vọt lên từ 1,8 - 2,5 tỉ đồng/nền khoảng 100m2. Một số dự án có vị trí đắc địa, ven sông giá còn cao hơn nhưng vẫn được các nhà đầu tư săn tìm.
Hiện UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch xã Hiệp Phước (Nhà Bè) quy mô 3.800ha trở thành khu đô thị - cảng ở phía Nam TP.HCM. Nhiều khu đô thị “khủng” cũng đang hình thành nơi đây.
Đồng thời, KCN - cảng biển lớn nhất TP.HCM gồm các cụm cảng nằm dọc theo sông Soài Rạp như: cảng container quốc tế SPCT, Tân cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An và KCN Hiệp Phước đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Thị trường BĐS khu Nam đang bứt phá từng ngày |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, theo đề án Quy hoạch vùng TP.HCM, 3 huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Trước sự chuyển động của các dự án hạ tầng, thị trường BĐS khu Nam và khu vực giáp ranh liên tục tăng giá, tạo ra sự phát triển mạnh cho thị trường.
Thế Toàn