Nhà Bè trên con đường lên quận
Tại hội thảo "Phát triển kinh tế, đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè" mới đây, báo cáo của huyện Nhà Bè cho thấy, trong giai đoạn tới huyện sẽ tập trung thực hiện mục tiêu phát triển huyện Nhà Bè theo hướng đô thị bền vững, phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của thành phố; phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp.
Như vậy, Nhà Bè phải phấn đấu để trở thành quận, là nhiệm vụ cấp bách được các cơ quan chức năng khẳng định tại Hội thảo. Trong đó, huyện sẽ mời gọi các lĩnh vực đầu tư. Về các dự án BĐS, trục đường "xương sống" của huyện là đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án dọc hai bên, trong đó có khu đại đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển diện tích gần 350ha do Tập đoàn GS Hàn Quốc làm chủ đầu tư; phát triển các dự án nhà ở dọc trục đường 15B (từ cầu Phú Xuân 2B đến cầu Cần Giờ).
Đồng thời, chính quyền địa phương khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án nhà ở dọc trục hành lang từ đường Nguyễn Bình (nút giao đường Lê Văn Lương) đến đường Phạm Hùng nối dài tại xã Phước Lộc.
Về du lịch, huyện Nhà Bè có lợi thế về hệ thống nhiều sông, kênh rạch, các tuyến giao thông thủy có thể kết nối đến bến Bạch Đằng, Cần Giờ và miền Tây Nam bộ. Do đó, đầu tư các công trình thủy, khai thác quỹ đất dọc các tuyến sông rạch, kết hợp với du lịch đường thủy cũng là một gợi ý đáng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Kế tiếp là khai thác đất đai phát triển du lịch kết hợp phát triển mảng xanh. Khu đất quy hoạch khu công viên văn hóa du lịch (166ha, tại xã Long Thới) tiếp giáp phía Nam với sông Rạch Dơi có chiều dài đường bờ khoảng 1.000m, phía Bắc giáp với đường giao thông hiện hữu (đường Ngô Quang Thắm, lộ giới 40m). Đây là lợi thế lớn về kết nối giao thông thủy bộ để phát triển du lịch như công viên chuyên đề.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức cho hay, một trong những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đó là Nhà Bè phải có định hướng để tương lai sắp đến sẽ biến huyện thành quận. Đây là huyện có điểm đặc biệt, đó là "xanh". Khi phát triển đô thị, chắc chắn huyện sẽ có sức hút rất lớn về các dự án bất động sản, chính quyền phải có cái nhìn tổng thể, làm sao các dự án cho dù là nhiều nhà đầu tư khác nhau thực hiện nhưng khi ghép lại sẽ trở thành một bức tranh tổng thể, hiệu quả, có định hướng rõ ràng.
Hiện nay, khu vực này đang là sân chơi của nhiều ông lớn BĐS uy tín như Phú Long, Novaland, GS, Kiến Á… với các dự án BĐS quy mô làm thay đổi diện mạo của khu vực này.
Thị trường BĐS sôi động nhờ cú hích hạ tầng
Thông tin Nhà Bè lên quận thực tế đã có từ trước đó, nhưng đến nay khi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, huyện này mới thực sự tập trung để thúc đẩy con đường lên quận trở thành hiện thực. Đây chính là yếu tố khiến thị trường BĐS khu vực này trở nên sôi động thời gian qua.
Tuy vậy, không thể phủ nhận bên cạnh những tác động về thông tin lên quận thì bản thân huyện Nhà Bè suốt thời gian qua đã có những yếu tố thuận lợi về mặt giao thông, đã và đang được "mạnh tay" đầu tư. Trong đó các tuyến đường huyết mạch của huyện như Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh (nối dài)… được chú trọng đầu tư hơn cả.
Ghi nhận cho thấy, sau một thời gian yên ắng, hiện hàng loạt công trình giao thông cầu đường ở cửa ngõ phía Nam Tp.HCM khởi động rầm rộ. Đây chính là động lực tác động rõ nét nhất đến thị trường BĐS khu vực này bên cạnh định hướng quyết tâm phát triển lên quận trong thời gian không xa.
Khi lên quận, theo Chủ tịch huyện Nhà Bè, ở đó phải có bộ mặt đô thị hiện đại, tức là được đầu tư tổng thể. Trong quá trình đô thị hóa thì đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông là việc đầu tiên cần phải làm, tạo nên cú hích về mặt kết nối. Cụ thể, việc xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ không đơn thuần là giải quyết nạn kẹt xe, mà đây là tháo gỡ điểm nghẽn trong tuyến đường Vành đai 3. Bên cạnh đó, thành phố đã có chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, vì quy hoạch trước đây chừa khoảng đất trống ở giữa con đường nên nay mở rộng dễ dàng, không ảnh hưởng đến việc giải tỏa. Với việc mở rộng con đường này, có thể xem như kết nối thông suốt từ trung tâm thành phố đến khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Tiếp theo, tuyến đường Lê Văn Lương cũng được đầu tư mở rộng, xây mới thay thế 3 cây cầu sắt cũ kỹ bắc qua sông rạch, sẽ tạo thêm sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, BĐS nói riêng. Ngoài ra, kế hoạch công bố tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè vừa qua nêu rõ, huyện sẽ chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ tuyến metro số 4, đường 15B, dự án xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân, khởi công xây dựng đường Nguyễn Bình nối dài.
Thành phố cũng đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát nhằm giải quyết tình trạng ngập úng vốn tồn tại nhiều năm nay tại đây. Đặc biệt, một loạt các dự án trọng điểm khác tại khu vực này như cầu Nguyễn Khoái - quận 7 kết nối với quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỉ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỉ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường mở ra hướng lưu thông mới từ trung tâm TP.HCM về phía Nam và ngược lại.
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, yếu tố hạ tầng là nguyên nhân quan trọng trong việc hình thành xu hướng dịch chuyển BĐS từ trung tâm thành phố ra các vùng lân cận. Bởi vì một khi cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, việc di chuyển không còn là vấn đề đáng ngại.
Như vậy, theo các chuyên gia, hạ tầng xã hội chính là động lực lớn, là lợi thế để BĐS khu Nam khởi sắc trong giai tới. Những thay đổi về hạ tầng công trình xã hội được đánh giá là "công tắc" cho nhiều dự án BĐS chủ lực của nhiều chủ đầu tư, biến khu vực này trở thành khu đô thị sầm uất, một mảnh đất màu mỡ cho thị trường BĐS hoạt động sôi nổi.