Những thi thể và mảnh vỡ liên tục được tìm thấy khiến nhà chức trách Indonesia lo sợ toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay xấu số đều tử nạn. Hiện tại, xác chiếc máy bay vẫn chưa được tìm thấy nhưng hàng chục thi thể trôi dạt trên mặt biển đã được lực lượng cứu hộ trục vớt và đưa về nhà xác bệnh viện trong khu vực.
Chuyến bay mang số hiệu JT 610 của hãng Lion Air đã biến mất khỏi màn hình radar chỉ sau 13 phút cất cánh, theo Basarnas, cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia. Đây là một chiếc máy bay mới, thuộc mẫu Boeing 737 MAX 8, chở tất cả 181 hành khách cùng 8 thành viên phi hành đoàn. Điểm đến của chiếc máy bay là đảo Pangkal Pinang.
Có tới 21 túi đựng thi thể được chuyển đến một bệnh viện ở phía đông Jakarta để xác định danh tính, trong khi các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm trên biển. Những chiếc túi này đựng thi thể, các mảnh vụn của máy bay và các vật dụng cá nhân của nạn nhân, theo thông tin từ cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia. Các đội tìm kiếm đã phải nỗ lực tìm kiếm với sóng và dòng chảy rất mạnh. Ngoài ra, nhiều robot hoạt động dưới nước cũng hỗ trợ cho công tác tìm kiếm.
Máy bay này đã báo cáo trục trặc từ đêm hôm trước
Cơ trưởng đã yêu cầu với nhân viên kiểm soát không lưu về việc quay lại sân bay trong khoảng 19km, nhưng lại không cho biết đây là trường hợp khẩn cấp. Yohanes Sirait, phát ngôn viên của AirNav Indonesia, cơ quan giám sát chuyển hướng giao thông hàng không, cho biết.
Phát ngôn viên nói thêm rằng máy bay sẽ được ưu tiên hạ cánh theo yêu cầu như thế, nhưng nhân viên kiểm soát không lưu lại bị mất liên lạc với máy bay ngay sau đó. Và chiếc máy bay này đã không quay lại.
Chiếc máy bay này đã được xác định là có vấn đề vào đêm trước khi đang bay trên chuyến bay từ Denpasar tới Jakarta, CEO của Lion Air, Edward Sirait, cho hay. Ông nói rằng các kỹ sư đã kiểm tra và sửa chữa những trục trặc đó và thông báo rằng chiếc máy bay đã sẵn sàng.
Cơ trưởng của chuyến bay, Bhavye Suneja, mang quốc tịch Ấn Độ, đã có hơn 6000 giờ bay và cơ phó của ông, Harvino, cũng có hơn 5000 giờ bay, theo Lion Air.
Trả lời các phóng viên tại trụ sở của hãng ở Jakarta, ông Sirait cho biết chiếc máy bay này "đạt tiêu chuẩn bay an toàn" và rằng phi công đã thực hiện kiểm tra chiếc may bay trước khi cất cánh theo đúng quy định. Ông nói thêm, các phi công cũng được xác nhận là không sử dụng chất kích thích hay ma tuý.
Chiếc máy bay của Lion Air mới chỉ có 800 giờ bay
Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSC), cho biết, Lion Air đã mua lại chiếc máy bay này vào tháng 8 và mới chỉ bay được 800 giờ.
Hãng sản xuất của chiếc may bay xấu số, Boeing, mới đây cũng chia sẻ về vụ việc, cho biết công ty "vô cùng đau lòng" bởi vụ tai nạn này. Công ty sẻ chia "sự cảm thông sâu sắc" tới các hành khách và thành viên phi hành đoàn, cũng như gia đình họ.
Máy bay 737 MAX 8 là một trong những mẫy mới nhất được ra mắt vào năm 1967. Đã có hơn 10.000 chiếc 737 được sản xuất và là mẫu máy bay bán chạy nhất mọi thời đại.
Hơn 20 quan chức của Indonesia có mặt trên chuyến bay
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, cho biết có 20 quan chức của bộ có mặt trên chuyến bay định mệnh. Họ đang trở về nhà ở Pangkal Pinang sau khi nghỉ cuối tuần với gia đình ở Jakarta.
Lion Air đã đưa 90 người thân của các nạn nhân trên chuyến bay từ Pangkal tới Jakarta, ngoài ra, 76 người khác cũng đã được đưa đến thủ đô.
Lịch sử ngành hàng không đầy bê bối của Indonesia
Khi những thông tin về vụ tai nạn lan rộng, Úc đã khuyên các quan chức chính phủ cũng như nhà thầu không sử dụng dịch vụ bay của Lion Air, một quan chức chính phủ nói với CNN.
Lion Air là một trong những cái tên nằm trong "danh sách đen" của EU từ tháng 7 năm 2007 và đã được loại bỏ vào tháng 6 năm 2016. Hãng hàng không giá rẻ này chỉ là một trong hàng chục hãng hàng không khác của Indonesia nằm trong danh sách này của EU, bởi những lo ngại về an toàn hàng không trong những năm gần đây. Năm 2007, EU đã cấm tất cả 51 hãng hàng không của Indonesia đi vào không phận của mình, do đã xảy ra hàng loạt vụ va chạm.
Trong cùng năm đó, một chiếc máy bay Garuda chở 140 người đã lao ra khỏi đường băng và bốc cháy tại thành phố Yogyakarta, khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có 5 người Úc.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về an toàn hàng không cũng đã được cải thiện và những hãng bay lớn như Lion Air cũng dần cũng được loại bỏ khỏi danh sách đen.