Hơn 8 giờ sáng, trên ruộng nha đam nhà ông Nguyễn Văn Tùng (phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) đã chất từng đống bẹ, ông Tùng cùng với 4 thành viên trong nhà khẩn trương ra ruộng từ sáng sớm thu hoạch để kịp giờ thương lái tới cân hàng. Ông Tùng chia sẻ, gia đình trồng hơn 4 sào (4.000 m2) nha đam , nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo nên cây nha đam sinh trưởng tốt, cho năng suất đạt 6 tấn bẹ/sào. Vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch 3 sào được khoảng 18 tấn bán cho thương lái với giá 2.200 đồng/kg, cho doanh thu gần 40 triệu đồng, còn 1 sào sau khi hoạch xong ông Tùng tiếp tục chạy nước vào ruộng để thu lứa bẹ tiếp theo trong tháng tới.
Cách đó không xa, gia đình bà Trần Thị Lan cũng đang thu hoạch vườn nha đam rộng 3 sào (3.000m2), bà Lan cho biết vừa cắt được trên 8 tấn bẹ, thương lái tới ruộng cân mua với giá bình quân 2.200 đồng kg, cho doanh thu gần 18 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư phân bón, điện, nước,... gia đình lãi được trên 12 triệu đồng. Chủ vườn nha đam cho biết, nha đam là loại cây ưa nắng, thích hợp trồng trên đất pha cát, nếu chăm sóc tốt mỗi sào nha đam cho thu hoạch từ 5 – 7 tấn bẹ lá/đợt (khoảng 1 tháng thu hoạch một đợt). Với giá bán như hiện nay, bà Lan cũng như các hộ trồng nha đam có lãi khá để phát triển sản xuất cho vụ tiếp theo.
Các hộ dân trồng nha đam cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào nha đam khoảng 10 triệu đồng, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng, trồng một lần có thể thu hoạch kéo dài từ 2 – 5 năm. Nếu chăm sóc tốt, một sào nha đam cho năng suất từ 5 - 7 tấn/đợt thu, có thể thu hoạch từ 10 - 11 đợt/năm. Nha đam hiện có nhiều loại khác nhau; trong đó, giống Aloe Veral lá xanh thẫm là loại dễ trồng, cho năng suất cao, trọng lượng mỗi bẹ đạt từ 0,8 – 1 kg.
Tùy thuộc vào chất lượng, bẹ lá nha đam hiện đang được thu mua với giá dao động từ 2.200 - 2.800 đồng/kg, đối với bẹ nha đam loại tuyển lựa hàng to có giá bán cao hơn. Ông Nguyễn Văn Tài, một thương lái thu mua nha đam thông tin, mỗi ngày ông thu mua trên 40 tấn nha đam cung cấp cho nhà máy sản xuất nha đam tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam để chế biến thành các sản phẩm nước giải khát, mỹ phẩm. Theo ông Tài, do mùa hè năm nay nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ nha đam trên thị trường tăng cao dẫn đến sản phẩm nha đam được coi là “vua giải nhiệt” rất hút hàng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nha đam là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch tương đối ngắn, rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân có ít vốn đầu tư, ít sử dụng nước tưới ở vùng đất có khí hậu khô nóng như Ninh Thuận. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các địa phương khảo sát vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân trồng cây nha đam theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với các công ty tiêu thụ; đa dạng các sản phẩm chế biến từ nha đam để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ khí hậu khô nóng, ít mưa, đất pha cát ven biển đặc thù, Ninh Thuận có điều kiện thích hợp cho cây nha đam phát triển trở thành vùng nguyên liệu lớn của cả nước với diện tích khoảng 350 ha, được trồng tập trung chủ yếu ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc.