Ấy là chuyện xảy ra ở Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP. DN nhà nước này ký hợp đồng cho Công ty Vạn Thịnh Phát thuê cao ốc số 8 Nguyễn Huệ (quận 1) thời hạn 20 năm với giá chỉ hơn 13,5 USD/m²/tháng. Rồi sau đó, Công ty Vạn Thịnh Phát cho thuê lại với giá hơn 28 USD/m²/tháng (cao gấp đôi số tiền thuê của TP). Tòa nhà này có tổng diện tích sử dụng hơn 9.000 m², tính sơ sơ DN lời khoảng 130.000 USD/tháng, tương đương hơn 1,5 triệu USD/năm (35 tỉ đồng/năm). Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM, cho biết trường hợp này nếu tính theo giá quy định của nhà nước thì rất thấp (hơn 800 triệu đồng/tháng) nhưng tính theo giá cho thuê hiện tại thì hơn 3 tỉ đồng/tháng và được điều chỉnh 5 năm/lần.
Chỉ cần "trang điểm" lại đôi chút cho tòa nhà này là doanh nghiệp tư nhân đã vô tư hốt bạc từ công sản được cho thuê với giá bèo Ảnh: TẤN THẠNH
Theo cách giải thích của ông Tài, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM đã làm lợi cho ngân sách TP gần gấp 4 lần giá quy định chứ không hề gây thất thoát. Nhưng nhìn vào con số lợi nhuận mà DN đạt được thì chẳng lẽ lãnh đạo Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP không thấy tiếc. Đáng nói hơn, trong chức năng của DN nhà nước này có kinh doanh bất động sản vậy tại sao không tự sửa sang lại rồi cho thuê văn phòng để đạt lợi nhuận tối đa, mang về nguồn thu lớn nộp vào ngân sách. Đằng này, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP lại chọn cách dễ nhất là cho DN tư nhân thuê rồi cầm một cục tiền cho chắc ăn. Nếu DN nhà nước chỉ biết chọn cách làm dễ mà không biết kinh doanh để mang lại lợi nhuận tối đa thì phải xem lại năng lực quản lý. Lưu ý, ngoài tòa nhà trên, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP còn đang quản lý 31 căn nhà trống có được từ việc thu hồi hoặc DN trả lại.
Điều đáng buồn là đây không phải trường hợp duy nhất về lãng phí tài sản công. Bởi còn hàng ngàn căn nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê nhưng không đòi được tiền thuê nhà ở TP HCM. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP ở thời điểm tháng 5-2017, có gần 3.500 trường hợp nợ tiền thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quá 3 tháng (thuộc diện phải thu hồi nhà) với tổng số tiền lũy kế khoảng 45 tỉ đồng, đến nay con số này chắc còn lớn hơn.
Trong số này, không hiếm trường hợp thuê nhà nhưng không ở mà đem cho người khác thuê lại để kiếm lời. Thế là, không những tiền cho thuê vốn đã rất thấp không thu được đồng nào mà tài sản nhà nước còn bị người thuê nhà trục lợi. Rõ ràng, các chế tài xử lý những trường hợp này đều có nhưng không được cơ quan thực hiện làm hết trách nhiệm nên người thuê nhà mới có cớ chây ì, thậm chí là thách thức.
TP HCM luôn nói thiếu tiền để thực hiện các chương trình đột phá nhưng ngay chính những đơn vị quản lý, kinh doanh thuộc sở hữu của mình vẫn còn để thất thoát tài sản thì thật đáng lo ngại. Ngân sách càng ít thì buộc TP phải tận dụng những khoản thu dù là nhỏ nhất như tiền cho thuê nhà và không lãng phí nguồn thu từ đất vàng chứ không thể trông chờ vào ngân sách trung ương rót về. Làm được như vậy mới thấy được sự công minh của TP và người dân sẵn sàng chung tay cùng chính quyền xây dựng TP HCM thành nơi đáng sống.