Nhà nghèo, sau khi đỗ đại học năm 2007, anh Duy bàn với mẹ quyết định bán bớt mảnh vườn để mua đất khác xây nhà trọ cho thuê lấy tiền ăn học 4 năm đại học. Giờ có công việc ổn định, giá đất khu nhà trọ tăng gấp 3 lần, anh băn khoăn không biết có nên bán đất đó đi không?
VietNamNet xin chia sẻ câu chuyện đầu tư tiền mua đất xây nhà trọ để có tiền ăn học của anh Nguyễn Quang Duy - sinh năm 1989, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê với nghề thuần nông (Phú Thọ). Là anh cả của 4 đứa em gái, bố mất từ hồi học lớp năm, mẹ còng lưng làm ruộng nuôi mấy anh em ăn học. Là con trưởng, lại mồ côi bố nên so với bàn bè đồng trang lứa, tôi lúc nào cũng trưởng thành hơn về cách nghĩ, cách làm.
Năm 2007, tốt nghiệp lớp 12, tôi chọn và thi đỗ vào một trường đại học cũng ở một tỉnh lẻ. Bởi tôi nghĩ, nếu chọn thi vào một trường ở Hà Nội thì chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ, gia đình tôi lại eo hẹp về kinh tế. Đó là chưa kể, học lực của tôi cũng chỉ thi được vào trường top trung bình, không thể thi vào trường top khá cũng như top đầu.
Đến khi cầm tờ giấy báo nhập học, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã có thể bước chân vào cánh cổng trường đại học, nhưng lo là ngoài khoản tiền đóng lúc nhập học, hàng tháng tôi lấy đâu ra khoản tiền sinh hoạt phí, trong khi nhà còn 4 đứa em nhỏ cũng đang tuổi ăn tuổi học, mẹ thì chỉ làm mấy sào ruộng.
Nhờ đầu tư tiền xây nhà trọ, anh Duy có thể trang trải được khoản tiền ăn học 4 năm đại học của mình (ảnh minh họa) |
Suy tính mãi, tôi quyết định bàn với mẹ bán bớt mảnh vườn của gia đình, vì vườn đó bỏ không. Bán xong, tôi dồn tiền xuống dưới trường tìm mảnh đất gần đó xây 6 phòng trọ cho thuê để vừa lấy chỗ ở, vừa cho thuê (trường ở tỉnh nên đất không đắt). Tiền cho thuê thu được hàng tháng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho tôi. Coi như, tôi có một khoản tiết kiệm mà đất thì vẫn còn, không lo bị mất giá.
Mẹ tôi nghe bàn vậy gật đầu đồng ý vì bà tin tưởng tôi. Kết quả, sau kỳ học thứ nhất, tôi đã hoàn thành việc xây nhà trọ, các phòng trọ cũng được sinh viên thuê kín. Nhờ đó, sang đến kỳ học thứ 2 năm thứ nhất, đều đặn mỗi tháng tôi thu được 2 triệu đồng/tháng từ tiền cho thuê trọ.
Với số tiền này, tôi để ra 1,2 triệu dành cho chi tiêu sinh hoạt ăn uống hàng ngày và tiền đóng học phí, còn 800.000 đồng gửi về quê phụ mẹ nuôi các em ăn học.
Suốt 4 năm học đại học, tiền sinh hoạt phí tăng, học phí tăng, tôi cũng tăng tiền thuê phòng trọ lên một chút theo đúng thời giá. Nhờ đó, việc học đại học của tôi không trở thành gánh nặng cho gia đình mà mẹ tôi thì có thêm một khoản tiền nhỏ chi tiêu hàng tháng.
Đến giờ, tốt nghiệp đại học được 6 năm, tôi đã có công ăn việc làm ổn định ở Hà Nội. Tôi cũng lập gia đình và có một con nhỏ. Hai vợ chồng tiết kiệm và mới mua được một căn chung cư gần 70 m2 mà chỉ phải vay 50 triệu đồng, dự kiến 4 tháng nữa sẽ trả hết nợ.
Còn nhà trọ tôi vẫn giữ lại cho thuê suốt từ khi ra trường đến giờ. Nhờ đó, hàng tháng tôi vẫn có khoản thu khoảng gần 4 triệu đồng. Suốt mấy năm nay, khoản tiền này tôi gửi hết về quê cho mẹ. Bởi, bà đã già yếu, có ít ruộng bà chỉ làm lấy lúa ăn vừa đủ cho gia đình.
Đầu năm nay, khi xuống thu tiền trọ, một vài phòng kêu than nhà trọ xuống cấp, mưa dột. Tôi nghĩ, nếu muốn cho thuê tiếp tôi phải bỏ ra vài chục triệu để cải tạo. Vì vậy, tôi đang suy tính xem nên bán đi hay không do trước Tết, có người ngỏ ý mua mảnh đất đó với giá gấp 3 lần giá tôi mua ban đầu. Tức, nếu bán đất tôi thu được khoảng 350 triệu đồng.
Tôi đang băn khoăn, nếu không bán đất thì hàng tháng vẫn có vài triệu đồng cho mẹ tiêu. Nhưng vợ chồng tôi lại dự định đón bà xuống dưới Hà Nội ở để tiện chăm sóc. Ở quê, các em gái tôi đã đi lấy chồng hết, trong khi nhà có mỗi tôi là con trai, ở xa nếu muốn chăm sóc mẹ thì đi đi về về cũng bất tiện.
Bán đất đi, tôi có thể dùng số tiền đó thuê một cửa hàng bán tạp hóa trong khu chung cư nhà tôi cho bà trông coi, để bà có việc làm cho đỡ chán, mà mỗi tháng cửa hàng cũng cho thu một khoản nhất định. Còn vợ chồng tôi thì được ở gần mẹ.
Song vợ tôi lo ngại gặp rủi ro, nhỡ bà không buôn bán được có khi lại mất cả chì lẫn chài. Vậy, tôi có nên bán mảnh đất đó không?
Hải Băng (ghi)