Hiện tại có ít nhất khoảng bốn BĐS nhưng anh H, ngụ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM lại đang “khổ sở” vì xoay sở khoản ngân hàng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Thời điểm trước đây, khi BĐS sôi động, anh H liên tục tái đầu tư khi mua vào – bán ra. Khoản tiền dôi dư anh tiếp tục mua thêm BĐS. Khoảng hơn 2 năm nay, khi việc ra hàng gặp khó khăn, cũng là lúc anh H bước vào giai đoạn cạn tiền. Thậm chí, có thời điểm vợ chồng anh phải vay mượn bạn bè để chi trả cho các khoản vay đầu tư BĐS. Trong khi việc bán tài sản thu dòng tiền vào lúc này là không dễ với anh.
Là một nhà đầu tư lâu năm, chuyên đầu tư đất nền, nhóm anh Vượng (ngụ Tp.HCM) hiện cũng gặp khó khăn với dòng tiền. Được biết, nhóm đầu tư của anh có khoảng ba BĐS quy mô lớn (chủ yếu đất vườn, đất nông nghiệp) tại khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM, chưa kể các BĐS nhỏ lẻ sở hữu riêng từng cá nhân. Thời điểm cuối năm 2020, nhóm anh Vượng liên tục dồn tiền mua BĐS và chia nhau vay ngân hàng để đầu tư. Trong số đó, một số tài sản đã được bán ra và tái đầu tư. Đến khoảng giữa năm 2022, gần như mọi giao dịch (gồm cả BĐS lướt sóng và trung hạn) đều đứng im khiến nhóm đầu tư này chật vật trong việc xoay tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Hiện tại, theo anh Vượng, anh em đang cố “gồng” chờ thị trường, mặc dù dòng tài chính để xoay sở đã đến mức “báo động”.
Nhiều người tài sản khá nhiều nhưng cạn dòng tiền mặt. Ảnh: Bảo Anh
Tình trạng như các nhà đầu tư trên xã là không hiếm trên thị trường BĐS hiện tại. Thời điểm này phần lớn nhà đầu tư đã bước vào giai đoạn cạn tiền và thị trường đã xuất hiện nghịch lý: Ai cũng sở hữu tài sản, nhưng không ai có tiền.
Điều này không chỉ diễn ra ở các nhà đầu tư cá nhân mà các chủ đầu tư cũng đang gặp tình trạng này. Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Savills Việt Nam, hiện chủ đầu tư các dự án đang gặp khó khăn về thanh khoản dự án. Tuy nhiên, đa phần kích thích nhu cầu người mua bằng chương trình giãn thanh toán, ưu đãi, rất khó để chủ đầu tư giảm giá bán.
Thậm chí, dù giao dịch thanh khoản rất chậm nhưng người bán còn đưa ra mặt bằng giá mới. Lý do, người bán thì tính thêm phần trượt giá, phát triển hạ tầng và lợi nhuận vào giá trị tài sản. Trong khi người mua lại kỳ vọng giá giảm thêm, chờ “đáy”. Do đó, người bán nếu không áp lực vay sẽ không giảm giá, giữ luôn giá bán kỳ vọng làm mặt bằng giá mới.
Thời gian gần đây, giao dịch BĐS gần như chỉ xuất hiện ở người bán bị áp lực ngân hàng hoặc muốn thanh khoản nhanh nên chấp nhận bán bằng giá thời điểm cuối năm 2021.
Theo các chuyên gia trong ngành, một điểm chung của thị trường BĐS hiện nay là cả nhà đầu tư lẫn chủ đầu tư BĐS đều hi vọng ngân hàng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để lãi suất giảm, kinh tế phục hồi, hoạt động mua bán BĐS diễn ra.