Rõ ràng, với những NĐT chuyên nghiệp, gạo cội có dòng vốn tốt vào thị trường BĐS lúc biến động sẽ không quá lo lắng, áp lực ra hàng. Còn với NĐT mới (nhà đầu tư F0) hoặc các NĐT có kinh nghiệm dưới 3 năm với BĐS rất dễ "ngao ngán" trong bối cảnh thị trường như hiện nay.
Mặc dù theo hầu hết các chuyên gia trong ngành là thị trường nhà đất chưa có tình trạng bán tháo, cắt lỗ ồ ạt nhưng rõ ràng khó khăn của thị trường trải qua cũng khiến không ít NĐT lo lắng.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường BĐS thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư BĐS.
Hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động.
Với tình hình hiện tại, theo đại diện Savills, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia trong ngành, hiện khả năng hấp thụ của thị trường nói chung ở mức thấp, nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, nhiều NĐT cũng khá thận trọng với dòng tiền của mình.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, hiện tại chưa có tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ bất động sản ồ ạt trên thị trường. Đợt dịch lần thứ 4 mới kéo dài hơn 2 tuần, chưa thấy được những tác động rõ rệt lên thị trường BĐS. Tuy vậy, nếu dịch kéo dài thêm 4-6 tuần, tương đương 1-2 tháng trả lãi vay ngân hàng, nhiều NĐT cá nhân sẽ dễ có tư tưởng cắt lỗ hơn do cảm giác ngao ngán khi thấy thị trường giao dịch chậm.
Theo đó, vị chuyên gia này dành lời khuyên cho NĐT là lưu ý sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS ở thời điểm này. Theo ông Quang, với người mua đầu tư, chỉ nên vay tối đa 40%. Với những người mua để ở, có thể vay đến 50-60% nhưng phải tính toán kỹ lưỡng. Ví dụ nếu thu nhập hàng tháng 10 phần chỉ nên trả ngân hàng 3-4 phần.
Còn đối với các NĐT chuyên nghiệp đang sở hữu 2 sản phẩm BĐS trở lên cần lưu ý dự trữ tiền mặt vào thời điểm này, tối thiểu 20%, đủ để trả lãi vay ngân hàng trong vòng 6-12 tháng.
Cùng lời khuyên, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho rằng, thời điểm này, NĐT phải hạn chế sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, tỷ lệ vay vốn khi đầu tư vào BĐS cao (từ khoảng 50 – 80%) nhà đầu tư sẽ bị áp lực trả lãi và vốn gốc. Nếu như thanh khoản kém nhà đầu tư sẽ mất dần lợi nhuận theo thời gian khi bị thâm hụt dòng tiền vì phải trả lãi ngân hàng, thậm chí phải bán tháo BĐS với giá thấp.
Đồng thời, giữa lúc thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt, NĐT nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. Tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch.
Vì hiện tại những dòng tiền chảy vào BĐS như kiều hối, tiết kiệm, sản xuất kinh doanh…, đều đang bị chậm hơn so với đầu năm. Chỉ khi nào dịch bệnh kết thúc, đồng thời các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ ràng hơn, lúc đó mới có thể lạc quan về sức khỏe của thị trường BĐS. Chính vì vậy, thời điểm phục hồi của thị trường BĐS vẫn phải chờ cột mốc dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, khi đó thị trường BĐS mới có thể đoán định được.
Ngoài ra, NĐT cũng nên lưu ý một số yếu tố cần tránh trong và sau thời điểm nhạy cảm này như việc dốc tiền mua BĐS theo phong trào, mua nhà đất có giá trị quá lớn so với tiềm lực tài chính, dồn trứng vào một rổ,…