Quy mô chào bán mới của các quỹ tương hỗ giảm còn 16,4 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) trong hai tuần tính đến ngày 14/4, theo số liệu UBS AG, chưa bằng 10% khối lượng huy động được trong tháng 3. Tháng 4 đang trên đà là một trong những tháng tệ nhất đối với các quỹ kể từ tháng 10/2019.
Quy mô chào bán trong tháng 4 trái ngược với sự bùng nổ hồi tháng 1, khi các quỹ huy động được tới 450 tỷ nhân dân tệ. Số quỹ mới trong tháng 4, tính đến ngày 14/4, là 26, thấp hơn đáng kể so với con số 163 của tháng 3.
Nhà đầu tư cá nhân lo ngại sau khi nhiều quỹ tên tuổi thua lỗ vì cổ phiếu của những công ty như nhà sản xuất rượu Kweichow Moutai, gã khổng lồ năng lượng mặt trời LONGi Green Energy Technology. Cổ phiếu hai công ty trên đều lao dốc từ sau tết Âm lịch hồi tháng 2, góp phần đẩy chỉ số CSI 300 vào vùng điều chỉnh kỹ thuật.
Một quỹ tương hỗ cổ phiếu nổi tiếng từng huy động kỷ lục 237 tỷ nhân dân tệ hồi cuối tháng 1 hiện lỗ khoảng 4%.
Tháng 4 đang trên đà là tháng tệ nhất đối với các quỹ tương hỗ tại Trung Quốc kể từ tháng 10/2019.
Tại Trung Quốc, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chuyển sang quỹ tương hỗ trong năm 2020, bị thu hút bởi lợi nhuận hấp dẫn. Họ thường mua chứng chỉ quỹ được các nhà quản lý có tiếng điều hành – thường tập trung đầu tư vào các cổ phiếu bluechip.
“Các công ty hạng 1 nhóm đầu” cần giảm định giá 20% nữa mới trở nên hấp dẫn”, theo các nhà phân tích của UBS.
Tình trạng trên chỉ là “tiếng bíp ngắn" trong cơn sốt quỹ tương hỗ nhưng giới phân tích nhận định số liệu đang cho thấy "sự vỡ mộng" có xu hướng tăng do hiệu quả hoạt động của các quỹ gần đây không tích cực.
“Nếu không có các quỹ mới, nhà đầu tư mới, cơ hội sinh lời (nếu có) sẽ không tồn tại lâu”, Wei Tao, giám đốc Shanxi Fengshang Investment Management Co, nói. “Thiếu vắng bên tham gia và sự tin tưởng, các quỹ với tầm nhìn ngắn hạn sẽ rời đi”.