Các chuyên gia cũng đã chỉ ra những lưu ý khi nhà đầu tư đầu tư BĐS ven Tp.HCM để tránh rủi ro.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiêt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, nhà đầu tư phải định hình được mong muốn đầu tư ở khu vực nào, vùng thị trường nào đang và sẽ quan tâm. Tìm hiểu về nó từ bây giờ. Quan điểm đầu tư từ xưa đến nay vẫn đúng, đó là chúng ta chỉ nên đầu tư vào khu vực, phân khúc thực sự hiểu biết. Nhà đầu tư chỉ nên bỏ tiền vào khu vực mình rành, hiểu rõ về chu kì phát triển của khu vực đó.
Theo vị chuyên gia này, dù đầu tư phân khúc, thị trường nào nhà đầu tư cần xác định rõ chiến lược đầu tư của bản thân. Nếu đầu tư phòng thủ thì cần cân đối dòng tiền, tái cơ cấu khoản đầu tư, còn nếu đầu tư theo dạng tấn công thì tận dụng thời gian này để tìm sản phẩm giá mềm. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải quản lý được rủi ro dòng tiền đầu tư, kế hoạch tài chính của mình. Với bối cảnh hiện nay, đại dịch có thể tấn công lâu dài nên việc quản lý kế hoạch tài chính phù hợp với mục tiêu của bản thân là cực kì quan trọng.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, khi đầu tư BĐS vùng ven, nhà đầu tư cần đặc biệt để ý đến cơ sở hạ tầng (hạ tầng giao thông va hạ tầng xã hội) gần khu vực muốn mua. Đừng bao giờ mua BĐS "tắt đèn", không biết bao giờ dân mới tới ở.
Một chú ý nữa là khi mua BĐS tỉnh, nhà đầu tư phải để ý đến tính pháp lý. Nhiều người ở TP không rành đất đai khu vực tỉnh, mua không tìm hiểu kỹ càng, nên dễ dính bẫy là mua BĐS không biết khi nào ra được sổ, mua xong không xây được nhà…
Cùng với đó, nhà đầu tư phải khảo sát kỹ càng được giá BĐS khu vực đó để mua không bị hớ giá.
"Tôi khuyên các nhà đầu tư nên đầu tư vào BĐS mà mình am hiểu nhất. Ở một địa phương nào đó, đất nền, nhà phố hay BĐS thương mại dịch vụ, cho thuê… để hiểu và quyết định một phân khúc thì nhà đầu tư cần bỏ công sức để tìm hiểu mới nên đầu tư. Thời gian này các nhà đầu tư ở nhà tránh dịch, cũng là thời gian rảnh rỗi thì nên nghiên cứu việc đầu tư BĐS. Tuy vậy, làm gì thì làm thì nhà đầu tư cần chuẩn bị phương án 6 tháng chi phí. Có thể dịch còn kéo dài hơn dự kiến nên phải có chi phí dự phòng (ít nhất 6 tháng) cho việc đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư nên đưa ra kế hoạch đầu tư trong tương lai với cơ cấu % cụ thể như: 20% tiền mặt, 20% số tiền đầu tư trong vòng 12 tháng, 40% đầu tư 1-2 năm, 20% đầu tư 2-5 năm… thì sẽ đứng vững trong bối cảnh thị trường biến động", ông Quang dành lời khuyên.
Chia sẻ trước đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, nhà đầu tư cũng cần nên cẩn trọng khi chọn mua bất động sản vùng ven. Thứ nhất là dòng tiền dài hạn bởi bất động sản tỉnh lẻ còn gắn với câu chuyện hạ tầng, không phải vùng nào cũng có thể "đánh nhanh thắng nhanh". Mà thực chất nhà đầu tư phải cầm cự trong lâu dài. Thứ hai là chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu của đại đa số người mua. Đối với sản phẩm giáp ranh các thành phố lớn thì nhà khoảng 2-3 tỷ có thanh khoản rất tốt, trong khi đó các bất động sản có mức giá từ 10 tỷ trở lên thì gần như rất khó ra hàng.
"Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư dù đánh ở trận đánh nào, dù thành phố hay nông thôn, thì bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vẫn là vũ khí sắc bén nhất, cho thanh khoản tốt nhất, cho lợi nhuận ổn định nhất. Ngay cả trong thời gian dịch bệnh hay khủng hoảng của thị trường thì cung – cầu bất động sản cho người mua để ở, cho các gia đình trẻ an cư luôn giữ được sự ổn định, hoặc chỉ có thể đứng im, chứ không bao giờ sụt giảm hay biến mất", ông Phúc khuyến nghị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng nhà đầu tư trước khi xuống tiền cho các phân khúc bất động sản tỉnh lẻ, cũng cần lưu ý kỹ ba vấn đề. Đầu tiên là phải xác định đầu tư dài hạn. Thứ hai là phải có cái sự chuẩn bị về mặt tài chính và có kế hoạch cụ thể, luôn có kế hoạch phòng trừ trong trường hợp rủi ro hay thị trường biến động. Thứ 3 là phải luôn luôn có sự theo dõi về biến động thị trường.