Ảnh: BIDV
Theo tổng hợp của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và một số quốc gia khu vực Tây Âu với tổng giá trị đạt khoảng 2.600 tỷ USD, so với giá trị trung bình 926 tỷ USD cùng kỳ trong giai đoạn 2015 – 2019. Công nghệ là lĩnh vực nổi bật với các thương vụ M&A lớn, đạt khoảng 1.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021.
Giai đoạn 2019-2020, các ngành, lĩnh vực của Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư thông qua M&A gồm: Bất động sản, tài chính- ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ. Bên cạnh đó, có một số thương vụ đáng chú ý ở các mảng logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.
Những thương vị M&A nổi bật, có giá trị giao dịch lớn như: Thương vụ KEB Hana Bank mua lại một phần vốn điều lệ của BIDV với giá trị 878 triệu USD; KKR&Temasek mua lại cổ phần của Vinhomes với giá trị 652 triệu USD... gat các thương vụ liên quan tới các tập đoàn lớn như: Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk...
Đáng chú ý, tỷ trọng trong tổng giá trị M&A tại Việt Nam của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng nhanh với sự chủ động ngày càng cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Giá trị các thương vụ M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã tăng mạnh, chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch M&A được thực hiện tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho rằng, các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp có thể vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021 và 2022. Cùng với đó, một số lĩnh vực cũng cần lưu ý như viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục.
Về chủ thể, các nhà đầu tư châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và các tập đoàn lớn trong nước sẽ là động lực đóng góp vào sự hồi phục của hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Tính đến từ 2018 đến nay, lĩnh vực có nhiều giao dịch M&A nhất được thông báo tới Bộ Công Thương là bất động sản, bao gồm cả bất động sản để ở và bất động sản không để ở.