CTCK MBS vừa có báo cáo đánh giá tác động dịch Covid-19 tới kinh tế Thế giới cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hy sinh kinh tế cho cuộc chiến chống đại dịch
Theo MBS, Thế giới có thể dần phải chấp nhận một thực tế rằng sự hy sinh nền kinh tế cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là điều không tránh khỏi. Điển hình là Trung Quốc, với hơn 2 tháng đóng cửa phần lớn các hoạt động kinh tế, quốc gia này về cơ bản đã kìm hãm được sự lây lan của dịch bệnh và dần đưa nền kinh tế quay trở lại gần mức hoạt động thông thường.
Trong khi đó, hậu quả kinh tế do dịch bệnh để lại trầm trọng hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, theo số liệu Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, trong 2 tháng đầu năm, giá trị đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của quốc gia này lần lượt giảm 24,5%; 20,5% và 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, dự báo tăng trưởng GDP quý 1 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm xuống khoảng -20% n/n, theo Bloomberg Economics.
Các chuyên gia kinh tế Bloomberg cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của Trung Quốc từ 5,2% xuống còn 1,4% do (i) mức sụt giảm sâu của quý 1 khiến khả năng phục hồi kinh tế khó khăn hơn; (ii) virus lây lan toàn cầu đẩy nền kinh tế thế giới vào bờ vực suy thoái, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nhưng nền kinh tế này vẫn chịu tác động tiêu cực từ nhu cầu toàn cầu suy yếu, gián đoạn chuỗi cung ứng và những biến động mạnh trên các thị trường tài chính; (iii) các biện pháp kích thích kinh tế chỉ ở mức trung bình so với những động thái chính sách bạo dạn của chính phủ và NHTW khác hiện nay.
Đây cũng là tín hiệu cảnh báo sớm cho các nền kinh tế khác trên thế giới, khi Covid-19 mới bắt đầu lan rộng toàn cầu từ đầu tháng 3/2020. Chậm hơn 1,5 tháng so với thời điểm bùng nổ dịch bệnh tại Trung Quốc. Vì vậy, tác động kinh tế của dịch bệnh sẽ được phản ánh sớm nhất vào những dữ liệu tháng 3 đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu và quý 2 đối với Mỹ.
Những điều nhà đầu tư kỳ vọng
Theo MBS, những diễn biến thị trường và phản ứng chính sách hiện đều có điểm tương đồng so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, điểm khác biệt là hiện tại thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chứ không phải khủng hoảng hệ thống tài chính ngân hàng. Trong khi hệ thống tài chính vẫn hoạt động ổn định thì tình trạng hiện tại là kết quả của một cú sốc kép do suy giảm nguồn cung và suy yếu nhu cầu tạm thời.
Trong đó, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ và NHTW các nước đã được triển khai trong thời gian qua đang đóng vai trò đệm đỡ và bù đắp những lỗ hổng trong nền kinh tế, trong khi hệ thống y tế tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngành hiện tại.
MBS cho rằng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro xung quanh quy mô và mức độ nghiêm trọng của đại dịch, tuy nhiên trên thị trường hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố có thể được nhà đầu tư cân nhắc và kỳ vọng:
+ Tâm lý thị trường dần ổn định, khi những diễn biến leo thang của dịch bệnh không còn khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo.
+ Các chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ tài khóa sâu rộng hơn trong bối cảnh đại dịch còn chưa được đưa vào tầm kiểm soát.
+ Dòng tiền đầu tư mặc dù vẫn e ngại rủi ro, nhưng vẫn có xu hướng được phân bổ vào các nhóm tài sản theo tỷ trọng nhất định. Trong khi đó, các chính sách tiền tệ, tài khóa và quy định pháp luật đều đang được nới lỏng, tạo môi trường thuận tiện cho dòng tiền quay trở lại nền kinh tế và thị trường.
+ Văc-xin hoặc thuốc điều trị cho virus SARS-CoV-2 là điều khó khả thi trong ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có khả năng các bác sỹ tìm được phác đồ điều trị thích hợp giúp những người nhiễm bệnh nhanh chóng phục hồi, kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội ngăn chặn sự lây lan của virus, giúp số người phục hồi cao hơn số người nhiễm mới, do đó đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát.
Theo MBS, chìa khóa cho một cuộc khủng hoảng y tế luôn phải đên từ một giải pháp y tế. Vì vậy, bất kỳ tiến triển tích cực nào trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh hiện nay, dù nhỏ, cũng là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế và thị trường.
TTCK Việt Nam đang có định giá thấp nhất 5 năm, cơ hội mua tốt khi thị trường bị bán quá đà
Về diễn biến TTCK trong nước, MBS đánh giá thị trường có thể đi vào giai đoạn phân hóa với mức vốn tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tuần này thị trường có khả năng chịu áp lực rung lắc khi lượng hàng băt đáy đang có lãi với gần 70% số cổ phiếu tăng điểm và 24% số cổ phiếu đang có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với chỉ số VN-Index.
Các nhịp rung lắc nếu kèm thanh khoản không cao có thể là tín hiệu tích cực, trong kịch bản tích cực thị trường tạo đáy sau cao hơn đáy trước và các phiên tăng/giảm đan xen. Khó có thể biết liệu thị trường đang hồi phục trong xu hướng tìm đáy mới hay đây là nhịp hồi bền vững. Do vậy nhà đầu tư nên dự phòng kịch bản xấu nhất khi thị trường không thể giữ vững mốc 650 điểm.
Về định giá, mức PE hiện tại về mức 10.8 lần rất thấp dẫn đồng thời cũng là mức thấp nhất 5 năm qua. Bởi vậy, đây có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để chờ đợi cơ hội mua tốt nhất khi thị trường bị rơi vào trạng thái bán quá đà và sát các vùng hỗ trợ kỹ thuật mạnh xoay quanh vùng 600-650 điểm.
Việc TTCK Mỹ đã thực sự xác lập đỉnh và rơi vào Bear market và nhìn rộng ra TTCK toàn cầu đang trong một downtrend thì việc phục hồi kỹ thuật ngắn hạn có lẽ chưa có nhiều ý nghĩa và khó có thể đi xa được. Với diễn biến giảm sâu của VN-Index, mức độ hồi kỹ thuật có thể diễn ra tuy nhiên áp lực bán ròng của NĐTNN vẫn đang duy trì rất mạnh sẽ là yếu tố cản trở cho đà tăng trở lại của thị trường.
Kịch bản thận trọng với xác suất 60% được MBS đưa ra trong tuần này
Về định giá, mức PE forward về mức 10.x lần rất thấp, đồng thời cũng là mức thấp nhất 9 năm qua. Bởi vậy, đây có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để chờ đợi cơ hội mua tốt nhất khi thị trường bị rơi vào trạng thái bán quá đà.
Trong kịch bản thận trọng, MBS dự báo VN-Index sẽ tiếp tục giảm trở lại và dao động quanh mốc 650 +/- 20 điểm trong tuần này.