Chứng khoán lâu nay vẫn được biết đến với 2 trường phái khá đối lập là đầu tư giá trị (holding) và đầu cơ lướt sóng (trading). Dù không có thống kê cụ thể nhưng có thể dễ dàng nhận thấy đa phần các nhà đầu tư cá nhân đều ưa thích “trading” với mong muốn kiếm tiền thật nhanh cùng những con sóng mua đi, bán lại.
Khoảng thời gian tươi đẹp kéo dài gần 2 năm từ giữa năm 2020 đến đầu 2022 càng khiến các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí còn thêm không ít tổ chức cũng “say mê” lướt sóng, giai đoạn đánh đâu thắng đó. Thế nhưng, “nước rút mới biết ai còn quần”, khi thị trường không còn thuận lợi, sóng gió cũng theo đó ập đến tài khoản của nhà đầu tư.
Trong giông bão, các nhà đầu tư cá nhân với đa số là “tay ngang” là đối tượng dễ tổn thương nhất. Tình trạng mua vào đúng đỉnh rồi “kẹp” đến khi cắt lỗ lại trúng đáy càng trở nên phổ biến. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí cả những “cá mập” cũng không dám khẳng định tự tin bắt sóng bởi sự khó lường của chứng khoán, đặc biệt với thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán Việt Nam.
Sau khi đánh mất toàn bộ thành quả từ đầu năm trong tháng 2 vừa qua, ông Petri Deryng - nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund đã chia sẻ “Chứng khoán Việt Nam không thể dự đoán được trong ngắn hạn” . Trong năm 2022 trước đó, PYN Elite cũng như hầu hết các quỹ đầu tư cổ phiếu lớn trên thị trường đều đã ghi nhận hiệu suất âm hàng chục %.
Về sự khó lường của TTCK, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cũng từng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đầu tư 30 năm còn không chắc mai thị trường tăng hay giảm. Thị trường lên xuống thất thường là có, quan trọng trước khi tham gia chúng ta phải xác định rõ khẩu vị rủi ro của bản thân và phân bổ khoản đầu tư dựa theo điều đó. Nếu bạn xác định để tiền vào chứng khoán 10 năm, bạn sẽ có cái nhìn khác, còn nếu chỉ đầu tư đến cuối tuần, bạn phải cẩn thận” .
Đừng quên những khoản phí phải trả mỗi lần “đu tàu”
Lướt sóng cổ phiếu có lãi vốn đã không hề đơn giản. Ngay cả khi mua bán “mát tay”, nhà đầu tư cũng chưa chắc đã thu được lợi nhuận từ chứng khoán, thậm chí còn có thể lỗ vì những khoản phí tốn kém mỗi lần “đu tàu”.
Theo tính toán của đội ngũ phân tích Vnstockmarket, các chi phí, thuế phát sinh trong quá trình giao dịch không hề nhỏ, có thể vượt quá 20%/năm đối với những nhà đầu tư trading liên tục kèm margin. Điều này đồng nghĩa, nếu thị trường tăng trưởng 15% trong năm thì phương pháp giao dịch đó phải đảm bảo lợi nhuận đạt 35% trở lên mới đủ bù đắp chi phí.
Rất khó một phương pháp đầu tư hay giao dịch nào trên thị trường chứng khoán đảm bảo lợi nhuận hàng năm luôn vượt trên 20% so với mức lợi nhuận bình quân của thị trường. Do đó, với bất cứ phương pháp nào trên thị trường với mức chi phí thực hiện cao như vậy, đều dễ mang lại những kết quả tồi, đặc biệt với thói quen trading liên tục trong dài hạn.
Về cơ bản, đầu tư chứng khoán cũng giống như bất kỳ loại hình đầu tư kinh doanh nào khác, việc quản lý chi phí là yếu tố quan trọng không kém việc tạo ra lợi nhuận. “Trading” thuận lợi, nhà đầu tư thường ít để ý đến những khoản phí mỗi lần giao dịch đến khi khó khăn ập đến mới thấy thấm sự tốn kém đến từ các khoản “phế” phải trả.
Dù còn nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận đầu cơ lướt sóng vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đầu tư chứng khoán. Trường phái này tạo nên sự sôi động cho thị trường, góp phần không nhỏ trong việc thu hút thêm nhà đầu tư mới, dòng tiền mới tham gia bên cạnh yếu tố chất lượng hàng hóa. Điều quan trọng quyết định thành bại của nhà đầu tư “hệ lướt” sẽ nằm ở khả năng quản lý chi phí hay nói cách khác là kiểm soát tần suất “trading”.
Mặt khác, các nhà đầu tư giá trị nắm giữ cổ phiếu dài hạn cũng không hẳn sẽ luôn chiến thắng và kiếm được tiền. Dù bớt được đáng kể các khoản chi cho phí giao dịch nhưng việc lựa chọn được cổ phiếu chất lượng, có khả năng tăng trưởng dài hạn vượt trội cũng không hề đơn giản. Thực tế cũng không thiếu những trường hợp nhà đầu tư chọn nhầm cổ phiếu “cất tủ” đánh phải ngậm ngùi dành cả thanh xuân chỉ để “về bờ”.